Đây là bài viết thuộc BIG STORY “Người châu Á có thể thành công tại Premier League”.
Quý độc giả có thể xem thêm tất cả các bài viết tại link sau: https://bongdaplus.vn/ngoai-hang-anh/nguoi-chau-a-co-the-thanh-cong-tai-premier-league-4106572309.html
Trong lịch sử của mình, Premier League đã từng đón chân 6 cầu thủ Trung Quốc gồm Tôn Kế Hải (Sun Jihai), Lý Thiết (Li Tie), Trịnh Chí (Zheng Zhi), Nico Yennaris, Đổng Phương Trác (Dong Fangzhuo) và Lý Vệ Phong (Li Weifeng). Mức độ thành công của mỗi cầu thủ tương ứng với thứ tự nêu trên.
Có thể nói, làn sóng đưa cầu thủ Trung Quốc sang thi đấu ở giải vô địch quốc gia chất lượng cao bên trời Âu khởi đầu từ năm 2002. Mùa Hè năm đó, ĐT Trung Quốc lần đầu tiên được góp mặt ở VCK World Cup nhờ cái duyên của HLV phù thuỷ Bora Milutinovic. Ở kỳ World Cup này, ĐT Trung Quốc toàn thua ở vòng bảng, thứ đã khiến niềm tự hào Trung Hoa bị tổn thương. Lập tức, một chiến dịch tung các hảo thủ sang châu Âu khổ luyện thành tài được phát động, và Premier League là điểm đến hàng đầu.
Trong năm đó, lần lượt Lý Vệ Phong (từ 2002 đến 2003) cùng Lý Thiết (từ 2002 đến 2006) đầu quân cho Everton, trong khi đó, Tôn Kế Hải khoác áo Man City (từ 2002 đến 2008). Sau đó, Đổng Phương Trác gia nhập MU (từ 2004 đến 2008), Trịnh Chí đến Charlton Athletic (từ 2007 đến 2009) và Nico Yennaris có mặt trong danh sách của Arsenal (từ 2011 đến 2014).
Nhìn chung, rất nhiều CĐV của những CLB trên chỉ có ký ức mơ hồ về “người Trung Hoa ở Premier League” bởi đóng góp của họ quá nhạt nhoà, rất ít được thi đấu, thậm chí không được ra sân lần nào hay đưa vào biên chế xong là đem cho “bộ lạc” nào đó mượn.
Thành công lớn nhất của cầu thủ Trung Quốc tại Premier League có chăng chỉ nêu được tên của Trương Kế Hải tại Man City. Trước khi gia nhập Man City vào tháng 2/2002 từ Dalian Shide với mức phí 2 triệu bảng, Trương Kế Hải từng thi đấu cho Crystal Palace – đội khi đó còn đang chơi ở giải Championship, và anh cũng là cầu thủ châu Á đầu tiên của CLB này.
Trương Kế Hải ra mắt Man City trong chiến thắng 4-2 trước Coventry, và nhận được sự yêu thích bởi những pha tắc bóng, đột phá mạnh mẽ. Anh cũng là cầu thủ Đông Á đầu tiên ghi bàn ở Premier League (vào lưới Birmingham hồi tháng 10/2002). Nhưng rất tiếc, sau đó, chấn thương đã khiến Trương Kế Hải tàn lụi dần, cho dù hậu vệ này vẫn có 3 bàn thắng sau hơn 130 trận cho Man City.
Nhân vật đáng kể thứ hai là Lý Thiết, người đã dẫn dắt ĐT Trung Quốc gặp ĐT Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup với tư cách HLV trưởng. Đây là một trong những tài năng của bóng đá Trung Quốc được nhiều người đánh giá là có triển vọng tốt nhất trong thế hệ của mình. Lý Thiết đến Everton theo hợp đồng cho mượn từ CLB Leaoning ở mùa giải 2002/03.
Nhìn chung, Lý Thiết cũng đã có thành công nhất định khi được HLV David Moyes cho đá 29 trận ở mùa đó, thậm chí còn được Everton mua đứt với giá 1,2 triệu bảng. Tuy nhiên, ở mùa sau, anh dính chấn thương nặng và chỉ thi đấu 5 trận, trước khi dạt xuống Sheffield United ở giải hạng Nhất.
Còn lại, Trịnh Chí chỉ đá 26 trận cho Charlton, ghi 7 bàn thắng cho CLB này ở cả Premier League và Championship. Hầu như rất ít người nhớ về những trận có sự góp mặt của Trịnh Chí, bởi nó chỉ như làn khói mỏng. Trong khi đó, Nico Yennaris vào biên chế Arsenal theo con đường học viện khi ghi danh ở Hale End vào năm 2001. Những dấu ấn của anh chỉ ở các đội trẻ và anh cũng chỉ được thi đấu đúng 3 lần cho đội một, với lần đầu tiên là màn vào thay người trong trận thua MU 2-1 ngay tại Emirates năm 2013.
Ở giai đoạn hoàng kim của mình, MU cũng có một cầu thủ Trung Quốc, đó là Đổng Phương Trác. Cầu thủ này đã ký hợp đồng MU vào tháng 1/2004 với mức phí 500.000 bảng, nhưng do không xin được giấy phép lao động nên anh phải trải qua 2 năm thi đấu cho Royal Antwerp theo dạng cho mượn. Tại Bỉ, anh ghi được 18 bàn thắng trong mùa giải thứ hai, và được MU gia hạn hợp đồng đến năm 2010.
Tuy nhiên, Đổng Phương Trác chỉ thi đấu ở Premier League 1 trận, đó là trận hoà 0-0 trên sân của Chelsea và anh đá cặp tiền đạo với Ole Gunnar Solksjær. Nhưng Đổng Phương Trác còn có một trận ở Champion League 2007/08 khi vào thay cho Wayne Rooney trong trận cuối cùng của vòng bảng gặp AS Roma. Mùa sau, anh chia tay MU vì không chịu được kiếp “dự bị lão thành”.
Nhân vật cuối cùng mới tột cùng thê thảm. Lý Vệ Phong đến Everton cũng theo dạng cho mượn, cùng với Lý Thiết. Tuy nhiên, anh chỉ được thi đấu đúng 2 lần, 1 ở Premier League và 1 ở League Cup. Hết mùa giải, anh ôm đầu chạy về cố quốc và gia nhập CLB Thẩm Quyến, tan hẳn giấc mộng trời Âu.
Có thể nói, ở giai đoạn các cầu thủ Trung Quốc “ồ ạt xâm chiếm” Premier League, nền bóng đá nước này vẫn còn rất sơ khai, không phát triển và có đẳng cấp như các môn bóng bàn và bóng rổ. Mãi gần 10 năm sau, giải VĐQG mới vươn mình thành Chinese Super League, thu hút hàng chục ngôi sao hạng nhất đến đây thi đấu.
Ở mặt bằng đó, trình độ của các cầu thủ Trung Quốc kém xa cầu thủ Nhật Bản và Hàn Quốc, những người cũng đang chật vật ở Premier League. Thế nên, hoàn toàn dễ hiểu tại sao cầu thủ Trung Quốc không thể “mọc mũi sủi tăm” ở Premier League. Câu hỏi đặt ra là: tại sao họ lại đến được Premier League. Khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh, chúng ta sẽ thấy ngay câu trả lời: tiền.
Cơn phấn khích World Cup 2002 đã biến bóng đá trở thành cơn sốt ở Trung Quốc, biến hơn một tỉ người dân nước này thành hơn 1 tỉ khách hàng tiềm năng trong mắt những giám đốc kinh doanh của các CLB Premier League. Họ nhìn thấy viễn cảnh về nguồn thu từ áo đấu, du lịch, thương mại khổng lồ ở thị trường này nếu như chiêu mộ một vài cầu thủ Trung Quốc. Thậm chí, nhiều đại gia ở Trung Quốc còn sẵn sàng chi tiền để đưa cầu thủ sang Premier League.
Everton chấp nhận “mượn” Lý Vệ Phong để có một khoản tiền tài trợ từ đối tác Kejian, tiền lương của cầu thủ này cũng do Kejian trả. Ở khoản phí trả cho Lý Thiết, có tới 2/3 chi phi do Kejian chịu, kèm thêm những cam kết tài chính khác. Ở bản hợp đồng thành công nhất – Tôn Kế Hải, cần biết Man City lúc đó rất khát tiền nên sẵn sàng đầu tư 2 triệu bảng để tăng doanh số bán áo.
Ngay cả một MU giàu có vô cùng vào thời điểm đó cũng sẵn sàng mua Đổng Phương Trác chỉ để cho mượn nhằm chiếm chỗ đứng ở thị trường Trung Quốc. Nhà Glazers sẵn sàng gia hạn hợp đồng với “kẻ du mục” Đổng cũng bởi mục đích đó.
Đây là bài viết thuộc BIG STORY “Người châu Á có thể thành công tại Premier League”.
Quý độc giả có thể xem thêm tất cả các bài viết tại link sau: https://bongdaplus.vn/ngoai-hang-anh/nguoi-chau-a-co-the-thanh-cong-tai-premier-league-4106572309.html