Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.
Carletto thuộc trường phái thực chiến, lấy thành tựu làm cứu cánh, bất kể phương tiện. Trong khi đó, Pep muốn kết liễu đối thủ một cách bay bướm. Than ôi ở Champions League, kẻ hay múa may thường chết vì kẻ thọc dao nhanh và đúng chỗ.
TRẬN CHIẾN CỦA 9 NĂM TRƯỚC
Đã hơn 9 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên Pep Guardiola tiếp quản chiếc ghế nóng của Carlo Ancelotti tại Bavaria. Bayern Munich của Pep đã giành chức vô địch Bundesliga gần một tháng trước đó, thường xuyên tung tẩy khoảng 1.000 đường chuyền trong một trận đấu, và thứ bóng đá của ông dường như không thể ngăn cản.
Trong 18 phút của trận lượt đi trên sân Bernabeu, Bayern tiếp tục tỏ ra lấn lướt. Sau đó, Real Madrid của Carletto phản công và Fabio Coentrao kiến tạo để Karim Benzema ghi bàn. Bayern tiếp tục kiểm soát bóng, Real vẫn mờ ảo với đòn rình rập và trận đấu kết thúc với tỉ số 1-0.
Trước khi Carletto và Pep tái ngộ trong một trận bán kết Champions League khác tại Bernabeu vào rạng sáng mai, trận đấu của 9 năm trước có thể nói lên nhiều điều. Nó cũng giống như trận bán kết của Barca với Inter năm 2010 hay trận bán kết giữa Barca và Chelsea năm 2012, khi đội bóng của Pep đều giỏi kiểm soát bóng, nhưng đều bị giết chết bằng những đường ám tiễn sắc sảo và hiểm hóc.
9 năm trước, sau thất bại 1-0 ở Bernabeu, Pep quyết định sẽ chơi sơ đồ 3-4-3 ở trận lượt về. Nhưng bộ não hoàn hảo của ông lại lo lắng về chuyện Bayern đã không chơi sơ đồ 3 hậu vệ kể từ tháng 12, ông đã đổi ý trên ngay trên máy bay, chuyển sang 4-2-3-1 với Arjen Robben và Franck Ribery được giải phóng, và rồi lại là 4-2-4.
Sau này, Pep kể rằng đó là “quyết định khốn nạn nhất đời tôi”. Real chơi lùi sâu, phòng ngự chặt, rình rập phản công bằng tốc độ của Di Maria, và giành chiến thắng 4-0, với 3 bàn thắng từ bóng chết.
LỢI THẾ CỦA NHỮNG KẺ THỰC DỤNG
“Bố già” Carletto, hiện thân của chủ nghĩa thực dụng kiểu Ý, đã đánh bại Pep, nghệ sĩ đu dây theo chủ nghĩa lý tưởng mãnh liệt. Cùng giai đoạn này Champions League mùa trước, Pep lại gục ngã trước Carletto theo đúng bài bản đó. Hượm đã, theo thống kê Pep đã thắng Carletto 5/8 trận, nhưng có tới 4 lần Carletto đang huấn luyện Everton.
Rõ ràng, Carletto và thứ bóng đá thô mộc thực dụng chính là thiên địch của Pep. Trong 28 năm cầm quân, Ancelotti đã giành được 4 chức vô địch Champions League và là HLV duy nhất vô địch ở cả 5 giải đấu lớn của châu Âu. Chỉ thú vị ở chỗ, mỗi giải ông chỉ vô địch một lần như thể ông thiếu khát khao để trở thành kẻ độc tài.
Còn Pep, trong 14 năm cầm quân, đã 2 lần vô địch Champions League và có 10 chức VĐQG, đồng thời trở thành nhà cách mạng tiên phong trong việc làm mới chiến thuật bóng đá, với thành tựu trọn đời là khái niệm Juego de posición – Kiểm soát bóng. Toàn bộ sự nghiệp của ông là một cuộc luận chiến cho tầm nhìn đó.
Ancelotti rất khác. Luận án tốt nghiệp HLV của ông tại lò Coverciano là về sơ đồ hình cây thông (sau này Carletto đã áp dụng tại AC Milan) nhưng đó chỉ là một trong nhiều lựa chọn. Bởi ông là người thực dụng luôn thích nghi với hoàn cảnh thực chiến, mặc dù chính điều đó khiến ông bị đánh giá thấp về tư tưởng bóng đá.
HLV có thể là những nhà lý thuyết có tầm nhìn xa trông rộng chẳng hạn như kiểu Pep, người đã thay đổi cách hiểu trận đấu. Hoặc họ có thể là những nhà lãnh đạo tài ba như Carletto, người biến hình theo thực tế để đạt mục đích. Về cơ bản, Carletto cũng làm những gì mọi người khác đang làm, nhưng chỉ tốt hơn mà thôi.
Trong khi đó, Champions League lại là mảnh đất hoàn hảo cho sự thực dụng cho dù mọi thứ đã thay đổi 15 năm trước khi Pep dẫn dắt Barca khi thế giới nhận thức được tầm quan trọng của triết lý bóng đá, cùng sự nổi lên của trường phái bóng đá Đức.
Song sự suy nghĩ quá mức của Pep trước các trận đấu quan trọng tại Champions League có thể được coi là do ông quá sùng bái lý thuyết và dẫn đến những kết cục bi thảm ở Bayern và Man City. Tuy nhiên, năm nay, Pep lại có trong tay một vũ khí siêu thực dụng là Erling Haaland, kẻ chỉ quan tâm đến việc ghi bàn.
Những bàn thắng của Haaland đã khiến Pep tạm quên chủ nghĩa thuần túy của mình. Guardiola thích kiểm soát hơn nhưng Haaland chỉ muốn chơi bóng nhanh, đơn giản để có bàn thắng. Hai yếu tố này sẽ khiến Man City trở nên cân bằng hơn và trở thành bài kiểm tra lớn với Carletto vào rạng sáng mai.
Nên thực dụng hay triết gia?
Trong số 15 danh hiệu Champions League, chỉ có 7 Cúp Bạc thuộc về những triết gia bóng đá, còn lại 8 chiến quả nằm trong tay những kẻ thực dụng. Jose Mourinho nằm trong vùng xám bởi ông là kẻ tiêu biểu cho một triết gia của chủ nghĩa thực dụng.