Những tranh cãi liên quan đến việc kết thúc mùa giải 2021 đặt ra rất nhiều vấn đề. Một V.League thiếu ổn định đòi hỏi các nhà quản lý phải siết chặt cấp phép CLB bởi nếu không chúng ta sẽ tiếp tục đối diện nghịch cảnh hủy giải vì hết tiền.
Lịch thi đấu V.League 2020/2021
Bảng xếp hạng V.League 2020/2021
Cuối cùng, mùa giải 2021 đã khép lại với kịch bản không mong muốn. Một trong những lý do được đưa ra nhằm đi đến quyết định dừng giải đó chính là sức khỏe tài chính của một số thành viên. Họ cho rằng, nếu mùa giải kéo dài sẽ khiến họ thiệt hại về tài chính. Quỹ lương và các chi phí kèm theo sẽ gia tăng. Thậm chí, một số CLB còn đưa yêu sách, nếu đến thời điểm tháng 2/2022 mùa giải không thể diễn ra, VFF và VPF phải san sẻ gánh nặng với họ.
Những thiệt hại về tài chính trong khủng hoảng là khó tránh khỏi. Không chỉ các CLB, các tổ chức bóng đá cũng chịu thiệt hại nặng nề. AFF, AFC có nhiều giải đấu bị hoãn, thậm chí hoãn vô thời hạn. Cũng vì điều này nên tổn thất tài chính của họ là không thể đong đếm. Vì thế, bằng mọi cách các tổ chức quốc tế phải kích hoạt trở lại hoạt động thi đấu nhằm đảm bảo hệ thống cũng như khai thác giá trị thương mại. Với riêng bóng đá Việt Nam, giá trị thương mại không lớn nhưng ý nghĩa chính trị, xã hội với cộng đồng mà bóng đá mang lại là không thể đong đếm.
Điều đáng nói, bản thân các cầu thủ, HLV sẵn sàng chia sẻ khó khăn với CLB để giảm thiểu gánh nặng về tài chính. Họ đồng ý cắt giảm lương để tiếp tục được thi đấu. Ngay cả các HLV, cầu thủ ngoại cũng cam kết đồng hành với CLB. Thế nhưng, với một số đội bóng, điều đó là chưa đủ. Họ muốn hướng đến một giải pháp dễ dàng hơn đó là hủy giải nhằm bảo nền tảng tài chính của mình.
Từ việc các đội bóng, nhất là những đội bóng ở nhóm có nguy cơ xuống hạng đòi phải hủy giải cho thấy một điều, các đội bóng có xu hướng liên kết với nhau khi quyền lợi cá nhân bị ảnh hưởng. Mong muốn vì cái chung, xây dựng, thậm chí hy sinh vì phong trào đó thật sự là một câu hỏi khó có lời đáp. Điều quan trọng đảm bảo hài hòa lợi ích CLB và phong trào chung chính là quy định chặt chẽ về điều lệ, quy chế và đặc biệt là nguyên tắc cấp phép CLB chuyên nghiệp cần phải được tôn trọng, thậm chí, thúc đẩy theo hướng hoàn thiện.
Có câu “móng chắc nhà mới vững”. Các CLB thành viên đều là hạt nhân, là gốc rễ của một nền bóng đá. Gốc rễ có khỏe thì cây mới đứng vững giữa bão giông. Còn gốc rễ mà đã yếu đuối sâu bệnh, việc chặt bỏ để cứu đại cục là không thể khác. Tại những nền bóng đá hàng đầu như J-League, K-League hay China Super League, người ta đã quá quen với cái cảnh vài mùa giải lại biến mất các đại gia tên tuổi. Những Jubilo Iwata, Chunnam Dragons, Tianjin Quanjian, Tianjin Tianhai của Alexsandre Pato, Alex Witsel… sụp đổ , ngay lập tức có CLB được đôn lên thay thế. Cá biệt tại K-League, họ chỉ đá với… 12 CLB thay vì 20 CLB như những giải VĐQG khác. Ít nhưng chất lượng và vững bền là vì thế!
Bản thân các CLB cũng không thể chỉ trông vào nguồn sữa địa phương, các ông bầu, hay sự chia sẻ tài chính từ nhà tổ chức. Họ phải chủ động tạo nguồn thu từ bán vé, bán áo đấu và các ấn phẩm, quảng cáo, chuyển nhượng cầu thủ… Nói cách khác, lãnh đạo các CLB phải học cách lấy bóng đá nuôi bóng đá. Còn ngược lại, nếu vẫn không tự nâng cấp bản thân mà trông chờ vào sự xuê xoa của Ban cấp phép, cái cảnh ăn đong nay nợ lương cầu thủ, ngày mai dọa bỏ giải, ngày kia đòi giải tán đội sẽ lại tái diễn.
Muốn giải đấu lên chuyên nghiệp, phát triển bền vững, Ban cấp phép phải siết chặt công tác cấp phép CLB chuyên nghiệp. Đó là con đường không thể khác bởi các CLB phải hoàn thiện những vấn đề mang tính căn cốt cho sự tồn tại và phát triển như: Cơ sở vật chất, nền tảng tài chính, đào tạo, nhân sự…
Một khi đã đảm bảo những quy định của một CLB chuyên nghiệp, có sở vật chất, có hệ thống đào tạo, có nền tảng tài chính vững chắc thì bóng đá Việt Nam sẽ không lâm vào cảnh dở khóc dở cười: Cho tiền thi đấu, không cho thì bỏ cuộc chơi. Thậm chí, đã đến lúc chúng ta cần dũng cảm đối diện với thực tế, chấp nhận giảm số CLB ở giải vô địch nếu không đủ tiêu chí cấp phép như một áp lực buộc các thành viên phải tự chuyển mình nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi.
Cần biết, quy chế cấp phép CLB được VFF áp dụng từ năm 2014, theo các tiêu chí khắt khe được AFC đặt ra. Việc tiếp tục đặc cách, xuê xoa cho các CLB không đạt chuẩn tham dự giải vô hình trung kéo tụt sự phát triển, đôi khi còn ảnh hưởng đến uy tín của cả nền bóng đá. Bài học nhãn tiền khi “lá cờ đầu” Hà Nội FC, vào đến chung kết AFC Cup 2019 liên khu vực nhưng vẫn bị AFC phạt không cho tham dự AFC Cup do vi phạm quy chế cấp phép chuyên nghiệp là minh chứng rõ nhất. Với AFC, đã chấp nhận tham gia cuộc chơi, bạn phải tôn trọng luật chung và không bao giờ có ngoại lệ cho bất cứ đội bóng, nền bóng đá nào và đó chính là nền tảng cho sự chuyên nghiệp.
Các ĐTQG Việt Nam thời gian qua gặt hái nhiều kỳ tích, công lớn đầu tiên thuộc về các CLB quốc nội, nơi ươm mầm và phát triển những tài năng. Những ồn ào của đại diện một số CLB ngay trước thời điểm ĐTQG tham dự sân chơi quan trọng nhất trong năm thật đáng buồn và đáng quên.
Thay cho lời kết, xin được trích dẫn lại câu nói của ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT VPF: “Bóng đá chỉ nên là phép tính cộng của những bàn tay đóng góp, chứ không nên là phép trừ từ những khác biệt quan điểm của những người cùng mục đích”.