Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cuộc xâm lăng của giới cò bóng đá khiến các đội bóng lớn ngày càng dè dặt hơn trên thị trường chuyển nhượng. Đây được dự báo sẽ là xu hướng trong những năm tiếp theo.
Danh sách chuyển nhượng Hè 2021
Giàu trên… mặt báo
Hè 2021 ghi nhận sự chuyển dịch CLB của hai cầu thủ bóng đá đương đại xuất sắc nhất. Messi đến PSG theo dạng chuyển nhượng tự do, còn Ronaldo trở về đầu quân cho M.U với giá “rẻ như cho” 15 triệu euro. Đội bóng Anh còn kì kèo với Juventus bằng một điều khoản cho phép họ trả góp tiền mua CR7 trong 5 năm tới, tức đến thời điểm Ronaldo đã 41 tuổi và chưa chắc anh còn thi đấu nữa!
Theo hãng kiểm toán Deloitte, 5 giải đấu hàng đầu châu Âu đã chi ra tổng cộng 3 tỷ euro để nâng cấp đội hình trong mùa hè này. Con số đó giảm đi khá nhiều so với thời điểm hai năm trước (5,5 tỷ euro). Hồi năm ngoái, giữa bối cảnh vừa trải qua nhiều tháng không thi đấu vì COVID-19, các đội bóng châu u cũng chi đến 3,25 tỷ euro, nhỉnh hơn một chút so với hè 2021.
Việc các CLB chi ít tiền đi, như trường hợp M.U mua trả góp Ronaldo được lý giải do tình hình tài chính khó khăn. Các giải đấu diễn ra bình thường trở lại nhưng không có nguồn thu từ bán vé. Sân bóng vẫn trống vắng không cho khán giả vào sân. Đội bóng nào cũng sụt giảm doanh thu, nợ xấu tăng lên, khiến họ không sẵn sàng bỏ tiền.
Câu chuyện Messi rời Barca để đầu quân cho PSG chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc khủng hoảng kinh tế không chưa một ai, ngay cả các đội bóng lớn. Trong buổi họp báo xác nhận chia tay Messi, Chủ tịch Barca thừa nhận CLB đang gánh khoản nợ lên tới 1 tỷ euro. Nếu còn tiếp tục giữ Messi trong đội hình, họ sẽ sớm lâm vào cảnh phá sản. Trong thời điểm đó, PSG là đội duy nhất đủ khả năng đưa Messi về.
0 đồng và cho mượn
Tình cảnh của Ronaldo khá hơn một chút so với Messi, nhưng anh cũng nằm trong diện được Juventus cân nhắc thanh lý trong hè 2021. Đội bóng Italia ước tính thiệt hại 14 triệu euro trong mùa tới nếu họ tiếp tục giữ chân anh. Biết mình không còn giá trị nữa, Ronaldo chấp nhận dứt áo ra đi và trở lại M.U, nơi luôn đón chào anh bằng tình yêu vô điều kiện.
Messi giá 0 đồng, Ronaldo 15 triệu euro chỉ là hai trong số những bản hợp đồng rẻ bất ngờ trong kỳ chuyển nhượng hè 2021. Ở ngày chốt phiên giao dịch, Atletico gây bất ngờ bằng 2 thương vụ cho mượn. Họ mượn Griezmann từ Barca, và đồng ý cho Chelsea mượn Saul Niguez. Theo góc nhìn của những kiểm toán viên hàng đầu Deloitte, đây là tín hiệu cho thấy các CLB ngày càng tằn tiện hơn.
Nếu không tính đến phí chuyển nhượng, tiền lương của những ngôi sao hàng đầu là gánh nặng lớn nhất với CLB trong mỗi kỳ hạch toán tài chính. Trong tình cảnh không thể bán đứt những cầu thủ như vậy, việc đem cho mượn sẽ làm giảm bớt quỹ lương. Với những CLB muốn bán cầu thủ trong tương lai, họ còn gài thêm điều khoản cho phép đối tác mua lại với 1 số tiền nhất định.
Tại sao Chelsea phải bỏ ra 40-45 triệu euro mua Saul Niguez và dùng trong 4-5 năm, thay vì chi ra 5 triệu euro mượn cầu thủ này 1 năm? Mượn cầu thủ rõ ràng tiết kiệm hơn nhiều so với việc mua đứt họ, thế nên các CLB hàng đầu giờ cũng sẵn lòng hành xử như đội bóng nhỏ trước kia. Miễn là có lợi ích tài chính, họ sẽ hỏi mượn cầu thủ chứ không còn mua đứt.
Mặt khác, vai trò của giới đại diện – bên thứ ba trong các quan hệ mua bán bóng đá – ngày càng rõ rệt và có ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ tài chính lâu dài của các CLB bóng đá. Theo bản báo cáo 10 năm chuyển nhượng bóng đá quốc tế vừa được FIFA phát hành, các CLB đã phải chi ra hơn 3 tỷ euro trong 1 thập niên cho những người đại diện. Laporta đã nói rằng khi nhận lại Barca, ông bàng hoàng trước con số 8 triệu euro Bartomeu chi trả cho một tuyển trạch viên ở Nam Mỹ chỉ để đưa về Nou Camp một cầu thủ còn vô danh tiểu tốt. Xu hướng phải trả tiền lót tay cho cò bóng đá ngày càng phổ biến với những người đại diện quyền lực như Mino Raiola hay Jorge Mendes. Lãnh đạo của Chelsea đã tìm hiểu và phát hiện một cầu thủ như Erling Haaland có thể khiến CLB chiêu mộ anh phải chi tới 600 triệu euro cho bản hợp đồng 5 năm. 10% số tiền đó sẽ được Raiola “hưởng ké”.