Thực ra tiền đạo trẻ của Arsenal khá trầm tính và biết kiềm chế. Nhưng duy trì được điều đó ở tuổi 21 là vô cùng khó. Vòng trước, Saka lao vào Coutinho, đẩy tiền vệ Aston Villa và sẵn sàng ăn thua đủ. Những pha phạm lỗi liên tiếp trước đó nhằm vào Saka đã làm tiền đạo người Anh mất kiềm chế. Hệ quả là Saka bị thẻ vàng còn Coutinho dù cũng có hành động khiêu khích nhưng lại không bị trọng tài trừng phạt.
Sau khi nhận thẻ vàng ở cuối hiệp một, Saka càng có phần quá khích. Tiền đạo 21 tuổi tỏ thái độ gầm ghè với bất kỳ pha phạm lỗi nào của đối phương. Nhưng cái đầu nóng của Saka là có thể lý giải được. Trong suốt 90 phút có mặt trên sân, Saka trở thành mục tiêu “chém đinh chặt sắt” của các cầu thủ Aston Villa. Không ít pha phạm lỗi thô bạo không phải nhận thẻ. Saka đã phải thi đấu trong sự ức chế cao độ khi trọng tài nương tay với lối đá rắn của Aston Villa.
Cảnh tượng Saka nằm đau đớn trên sân không còn xa lạ, và càng phổ biến với Arsenal ở mùa giải này. Mikel Arteta cũng phải thừa nhận: “Các đội không ngu ngốc. Họ muốn ngăn chặn Saka. Bằng mọi giá”. “Tất cả các hậu vệ cánh đều biết Saka rất nguy hiểm. Họ cố gắng khiêu khích, phạm lỗi với cậu ấy. Các trọng tài nên biết điều này. Chúng ta phải có biện pháp bảo vệ những cầu thủ như Saka, Messi, Neymar”, Zinchenko nói thêm.
Có một “thuyết âm mưu” từ những người Arsenal rằng Saka bị trọng tài đối xử bất công. Anh bị phạm lỗi 40 lần tại Premier League mùa này, nhiều thứ chín giải đấu, nhưng trọng tài chỉ rút 4 thẻ vàng cho đối phương. Tính trung bình, Saka phải chịu 10 pha phạm lỗi thì trọng tài mới rút một thẻ vàng. Tỷ lệ này cao thứ ba tại Premier League 2022/23 và bỏ xa các chuyên gia rê dắt khác như Jack Grealish (4,9) hay Wilfried Zaha (6,3).
Ở khía cạnh ngược lại, Saka cứ phạm lỗi trung bình 4,8 lần sẽ nhận một thẻ vàng. Nếu so sánh đơn thuần về mặt thông số, rõ ràng trọng tài trừng phạt Saka nặng gấp đôi những đối thủ phạm lỗi với anh (4,8 so với 10). Nhưng hoàn toàn có thể lý giải mọi chuyện ở góc độ chuyên môn. Saka với lối chơi nặng về cá nhân và tốc độ vượt trội, sẽ bị đối phương phạm lỗi từ rất sớm thay vì phạm lỗi nặng trong tình huống nguy hiểm. Ngược lại, Saka thường xuyên phải phạm lỗi để hoàn thành nhiệm vụ phòng ngự từ xa trong một đội hình dâng cao của Arsenal.
Saka không cần phải thay đổi lối chơi vì rõ ràng anh đang mang lại hiệu quả rất cao trên hàng công. Nhưng nếu mọi chuyện tiếp tục theo cách hiện tại, khi Saka bị phạm lỗi quá nhiều, thì rủi ro luôn rình rập cho cầu thủ này. Đó không chỉ là việc Saka mất kiềm chế (mục tiêu của đối thủ) mà nghiêm trọng hơn là chấn thương.
Cân bằng giữa hiệu quả thi đấu và giảm thiểu rủi ro chấn thương cũng là một kỹ năng quan trọng của một cầu thủ tầm cỡ. Messi đã làm tốt điều đó hơn Neymar rất nhiều dù cả hai đều thích giữ chặt bóng trong chân.