6 tháng, 2 tiếng sét ngang tai
Chúng tôi nhận được tin nhắn của Công, người anh trai thứ 3 lúc chiều đã nhá nhem, kèm theo là bản cáo phó thông báo về sự ra đi đột ngột của người cha, ông Bùi Đình Quang. Cùng thời điểm, Bùi Tiến Dũng cùng gia đình nhỏ trên xe chạy thật nhanh để mong được ở bên người cha đáng kính lần cuối. Than ôi! Mọi thứ đã muộn màng, người nhà đã giấu Dũng sự ra đi đột ngột của cha, bởi họ sợ anh bị ảnh hưởng. Mọi hy vọng của Dũng cuối cùng đã sụp đổ, khi cha đã nhắm mắt xuôi tay. Cha cũng không kịp nói lời trăng trối với đưa con út mà ông vẫn hay gọi vào mỗi cuối tuần.
Dũng nén nước mắt và cả nỗi đau vào trong để bầu không khí giảm đi sự nặng nề. Linh cữu cha được đưa về nhà, kế bên là một chiếc bàn thờ khói nhang vẫn nghi ngút. Người trong di ảnh kia là Bùi Như Khởi, người anh trai thứ 2 không may qua đời ở tuổi 39 sau một vụ tai nạn sao thông thảm khốc. Chỉ trong 6 tháng, Bùi Tiến Dũng mất đi người cha sinh thành dưỡng dục lẫn người anh từng chỉ dạy đá bóng khi còn là một cậu bé. Dù là một người lính được tôi luyện, dù con tim có sắt đá đến mấy, Dũng cũng không tránh được cú sốc tâm lý!
Thương cha, thương anh những người đã đi xa bao nhiêu, thì Dũng càng thương mẹ, thương chị và hai đứa cháu phải sớm mồ côi bấy nhiêu. Vâng, mồ côi tội lắm ai ơi! Không biết ai nhắn hay đọc đâu đó những dòng chia buồn như vậy, mà đôi mắt Dũng cứ rưng rưng.
Dũng không khóc. Cho đến đêm cuối bên cha, khi cô con gái Mochi cầm hương vái ông nội, anh như có một luồng điện chạy trong người. Dũng quẹt ngang nước mắt khi nhìn lên di ảnh của cha và nhìn cô con gái hồn nhiên của mình.
Ngày đưa cha, sáng Đức Thọ (Hà Tĩnh) có mưa phùn nhưng rồi đến thời khắc di quan trời lại hửng nắng. Đợi đúng một tuần, chờ cha mồ yên mả đẹp, Tiến Dũng mới trở lại Viettel tập luyện. Dường như thấu hiểu tâm lý cầu thủ, Tiến Dũng đã không được ban huấn luyện Viettel xếp trong đội hình xuất phát gặp SLNA ở lượt trận mở màn. Chỉ khi đối thủ ép sân, Tiến Dũng mới được tung vào và anh cũng đeo lại tấm băng thủ quân từ tay Đức Chiến.
Đến trận thứ 2 gặp Thanh Hóa, Tiến Dũng đá chính ngay từ đầu. Và trận thứ 3 tiếp HL Hà Tĩnh, anh chính là người được giao trọng trách đá quả penalty mở tỷ số cho Viettel. Sau pha lập công ấy, Dũng chạy về góc sân, chắp tay quỳ gối tưởng nhớ những người thương đã qua đời.
Lại nhớ hơn 6 tháng trước, Tiến Dũng cũng từng chắp tay nguyện cầu cho anh trai. Còn buổi chiều trên Hàng Đẫy mới đây, anh phải dành điều thiêng liêng ấy cho cả bậc thân sinh!
Sau nỗi đau, chờ những kiểu chào người lính
Sau bàn thắng và sự cầu khấn ấy, Tiến Dũng “bỗng nhiên” có tên trong danh sách ĐT Việt Nam tập trung chuyển bị cho vòng loại thứ hai World Cup 2026. Thực tế, nếu Duy Mạnh không may bị chấn thương thì sẽ khó có cơ hội cho Tiến Dũng. Chính anh cũng từng nói rằng, con đường lên tuyển đã hẹp rất nhiều kể từ khi HLV Troussier lên nắm sa bàn.
Bóng đá là thế! Đôi khi hạnh phúc như manh chiếu hẹp, có người này sẽ chẳng có người kia. Cho nên chấn thương của Duy Mạnh được xem như cơ hội để những cầu thủ như Tiến Dũng chứng minh, anh có đủ trình độ và xứng đáng có mặt, chứ không phải sắm vai một cascadeur.
Khoan vội đề cập đến chuyên môn, có thể nói Tiến Dũng là một trong số những cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất của ĐT Việt Nam hiện tại. Ở tuổi 27, Tiến Dũng góp mặt trong cả 3 triều đại của HLV Toshiya Miura, Nguyễn Hữu Thắng và Park Hang Seo. Dưới thời ông Park, trừ những khi vắng mặt bất đắc dĩ, thủ quân của Viettel luôn là lựa chọn hàng đầu trong sơ đồ trung vệ 3 người. Đặc biệt Tiến Dũng gần như không có đối thủ trong vai trò trung vệ lệch trái. Như đã nói, thời thế đã đổi thay nhưng không có nghĩa đã cài then sập cửa với Tiến Dũng.
Sau nước mắt, sau những đau thương, thủ quân của Viettel đã và đang trở lại. Hẳn những người yêu thương, những người mến mộ Bùi Tiến Dũng đang chờ, sau những cái chắp tay, tới đây anh sẽ tái hiện kiểu chào nhà binh trên sân cỏ.
Một kiểu chào đã từng lấy đi trái tim của biết bao con người. Hơn thế, lúc này người ta muốn được thấy một Dũng “bộ đội” mạnh mẽ hơn bao giờ hết!