Không chỉ có suất mặc định, Bruno còn thi đấu nhiều nhất với trọn vẹn 450 phút trong 5 trận đã qua. Cùng với thủ môn David de Gea, Bruno chưa bị thay ra bất cứ lần nào.
Kể cả khi không thi đấu ở vị trí sở trường “số 10”, anh vẫn được giữ trên sân. Đơn cử như trong hiệp 2 chiến thắng trước Leicester, khi 2 tiền vệ Casemiro và Fred vào thay 2 tiền đạo Elanga và Rashford, Bruno được đẩy sang làm tiền đạo phải, còn “số 10” giao lại cho Eriksen.
Nhưng dù được trọng dụng như thế, những đóng góp có thể thống kê được của Bruno lại rất khiêm tốn. Sau 5 trận, cầu thủ người Bồ Đào Nha mới chỉ ghi 1 bàn và chưa kiến tạo lần nào, tức là số lần góp dấu giày vào bàn thắng còn ít hơn số thẻ vàng anh phải nhận (2 lần).
Về mặt cảm quan, Ten Hag muốn thay 2/3 hàng tiền vệ mùa trước bằng những tân binh, cụ thể là Casemiro và Eriksen. Về mặt lý thuyết, khi hợp với Bruno thì sẽ tạo ra một tam giác hoàn hảo.
Casemiro thu hồi bóng, là một tấm khiên bao bọc hàng phòng ngự và kéo quả bóng lên trên. Eriksen là chuyên gia chuyền bóng, điều tiết thế trận và tung ra những đường chuyền xuyên tuyến. Bruno thì được đặt gần vòng cấm nhất, qua đó dễ dàng phát huy thế mạnh tấn công của mình là ghi bàn hoặc kiến tạo.
Nhưng cho đến nay thì từ lý thuyết tới thực hành, mới chỉ 1/3 là đúng. Eriksen đã thi đấu quá tốt trong vai trò điều phối. Những đường chuyền, những pha xử lý ở giữa sân của cầu thủ người Đan Mạch đều cực kỳ đẳng cấp. Trong khi đó, Casemiro còn chưa giành được suất đá chính và Bruno thì vẫn chưa đủ sát thương như kỳ vọng.
Trong lối chơi kiểm soát mà Ten Hag phô diễn ở MU, Bruno thậm chí có thể là một điểm đen khi anh để mất bóng rất nhiều. Tuy nhiên, anh thực tế… được phép làm điều đó. Bruno chính là cầu thủ gần như duy nhất được Ten Hag cho chơi mạo hiểm, bởi anh phụ trách khâu sáng tạo, mà sáng tạo thì đương nhiên phải kèm rủi ro.
Nhiều người nói Bruno hợp với phong cách phòng ngự phản công của Ole Gunnar Solskjaer hơn nhưng có thể thấy MU cũng có nhiều cơ hội phản công không ít dưới thời Ten Hag. Từ một tình huống chuyển đổi trạng thái nhanh như vậy ở trận gặp Leicester, chính Bruno là người chuyền cho Rashford, trước khi tiền đạo người Anh mớm bóng cho Sancho băng qua thủ môn ghi bàn.
Đương nhiên, không thể phủ nhận Bruno vẫn chưa có được cảm giác bóng tốt nhất như hồi anh mới cập bến Old Trafford. Khá nhiều pha xử lý của Bruno vẫn còn phiêu lưu nhưng thiếu hẳn tính hiệu quả. Bù lại, Ten Hag khó lòng thay thế bởi Bruno thi đấu vô cùng nhiệt tình, hợp với tinh thần chung của tập thể đang lên.
Bruno luôn sẵn sàng chạy hàng chục mét về phòng ngự, điều mà không phải tiền vệ công nào cũng làm được. Ten Hag rõ ràng hi vọng Bruno có thể cải thiện cảm giác bóng, chứ không hề nghĩ ra kế hoạch thay thế anh.
Với Casemiro, câu chuyện lại đi theo một hướng khác. Đương nhiên là khi sở hữu một cầu thủ đẳng cấp thế giới từng 5 lần vô địch Champions League, bất cứ HLV nào cũng muốn dùng ngay. Nhưng sự có mặt của Casemiro lại vô tình kích thích Scott McTominay bùng nổ dữ dội.
Nhận thấy nguy cơ bị mất vị trí chính thức, tiền vệ người Scotland đã thi đấu như lên đồng ở những trận gần đây và làm quá tốt vai trò thu hồi bóng, cũng như thoát pressing. McTominay cho thấy mình không cần Fred để thi đấu tốt.
Với đà đi lên này của McTominay, Ten Hag đương nhiên rất ủng hộ. Ông cũng thực sự thích tính cạnh tranh trong tập thể và dù chưa ghi dấu nhiều trên sân, sự xuất hiện của Casemiro đã phát huy tác dụng. Nhìn chung, Ten Hag không có sức ép phải để Casemiro thi đấu thật nhiều ngay từ sớm. Anh vẫn cần thêm thời gian hòa nhập và vào sân từ ghế dự bị lúc này là phù hợp.
Hàng tiền vệ của MU, nhìn chung, là đại diện tiêu biểu cho chính MU. Họ có lẽ nên quên đi Frenkie de Jong để tập trung vào những gì đang có trong tay, bồi dưỡng, cải thiện sự gắn kết qua từng ngày. Ten Hag đã có tạm đủ gia vị để nấu một bữa ăn ngon, thế nên hãy cứ thiết đãi người hâm mộ đi. Tối nay, vào lúc 22h30 tại Old Trafford sẽ là một đại tiệc khác chăng?