Ngôi sao người Bồ Đào Nha của Manchester United đã bắt đầu năm 2021 với tư cách là một ứng cứ viên nặng kí cho danh hiệu Ballon d’Or, nhưng cuối cùng, tất cả những gì Bruno Fernandes được nhận là một con số 0 tròn trĩnh.
Nhiều người đã đưa ra kết luận một cách vội vàng rằng Bruno Fernandes là một cầu thủ bị thổi phồng và thiếu ý thức chiến thuật. Đó là một sự hoài nghi mang đầy tính sỉ nhục mà người đáng phải nhận nó phải là Cristiano Ronaldo hay những cầu thủ khác của Man United.
Vào những ngày như thế này, khi năm cũ vừa trôi qua và năm mới mới bước sang được 1 tuần, chúng ta lại cùng nói về những hi vọng cho tương lai và những bài học được rút ra sau 12 tháng đã qua, về guồng quay bóng đá, những cuộc đua ô tô đầy kịch tính và tất cả những khía cạnh còn lại của cuộc sống.
Tất nhiên, chẳng có bài học thực tế được rút ra từ thể thao chuyên nghiệp, lĩnh vực mà cơ bản chúng ta chỉ được nhìn ngắm những chuyển động trên màn hình, yêu mến một vận động viên nào đó, hoặc mong muốn quá nhiều vào một sản phẩm mang tính giải trí mà chúng ta vẫn trả tiền cho mỗi lần xem nó.
Nếu chịu khó ngẫm nghĩ một chút, có lẽ chúng sẽ nhận ra những mối quan hệ thực sự xung quanh chúng ta mới là điều thực sự quan trọng, chứ không phải những màn trình diễn của các cầu thủ trên sân cỏ.
Ai cũng hiểu điều đó, nhưng chẳng ai làm như vậy, chính vì thế chúng ta vẫn nghiện bóng đá một cách dữ dội, tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội suốt 24h về một trận đấu lớn vừa được truyền hình trực tiếp.
Rất nhiều năng lượng bị tiêu tốn vào việc đặt tên cho các vị anh hùng và phán xét ai là nhân vật phản diện. Và Bruno Fernandes với số phận kỳ lạ của mình là nạn nhân của những định kiến như vậy. Cầu thủ người Bồ Đào Nha vừa trải qua một năm đầy thăng trầm và những tháng cuối cùng trong năm 2021 cực kỳ lạ lùng.
“Manchester United trình diễn một lối chơi hiện đại, mạch lạc nhất khi Bruno Fernandes đạt đỉnh cao phong độ”, rất nhiều chuyên gia bóng đá Ngoại hạng Anh đã nhận xét như thế và điều này hoàn toàn không lạ tai chúng ta phải không nào.
Xin chào mừng đến với bản ballad của Bruno. Đây là một cầu thủ đã trải qua nửa đầu năm 2021 với tư cách là ứng cử viên Ballon d’Or, tấm gương mẫu mực trong phòng thay đồ tại Old Trafford.
Tháng Giêng năm ngoái, Manchester United đứng đầu Premier League và Fernandes là “Cầu thủ xuất sắc nhất đất nước Anh”, liên tục nổ súng và kiến tạo cho các đồng đội, liên tục thúc giục những cầu thủ khác và tạo nên sức sống trong “bong bóng chiến thuật” của Solskjaer.
Có thể nói, nếu không có Bruno Fernandes, có lẽ Man United của Solskjaer khó có thể lập được những thành tích như vào đến chung kế Europa League mùa trước hay có mặt trong Top 4 Premier League ở 2 mùa giải gần nhất.
Thế nhưng, đúng vào ngày cuối cùng của năm 2021, Fernandes đã vắng mặt khi MU đánh bại Burnley sau khi bị phạt thẻ vì ăn vạ trong trận đấu với Newcastle. Và thế là dư luận bùng nổ, một làn sóng của chủ nghĩa phán xét được lan toả.
Chỉ trong một thời gian cực kỳ ngắn ngủi, Fernandes đã bị coi là một gã cầu thủ gian xảo, thích giả vờ ngã, giỏi vấp cỏ ăn vạ, thiếu ý thức chiến thuật nói chung, thậm chí là một loại thuốc độc trong phòng thay đồ. Tất cả bắt nguồn từ “bàn tay thép” của Ralf Rangnick.
Nhưng ai cũng thấy rằng, Bruno đánh mất dần vai trò trung tâm hàng tiền vệ ở Manchester United dưới thời Ralf Rangnick.
Những gì đang diễn ra ở United đã quá quen thuộc, một đội bóng đã đi qua giai đoạn huy hoàng trong quá khứ, giờ đây trở nên sợ hãi cái bóng của chính mình, và khi mọi chuyện tệ dần đi thì lại có một cầu thủ bị chọn ra để làm vật tế thần.
Ai cũng đã phải trải qua điều đó và Fernandes rồi sẽ sống sót sau chuyện này. Anh vẫn là cầu thủ tấn công hiệu quả nhất của Man United. Nhưng anh cũng là kiểu cầu thủ chơi bóng hơi “hoang dại”, và thường tung ra những đường chuyền có phần vô nghĩa.
Gary Neville đã nói về điều này khi bình luận trận đấu với Newcastle. Neville rõ ràng là có bản lĩnh và từng là một cầu thủ xuất sắc. Nhưng những năm tháng thành công của anh năm xưa về cơ bản được lèo lái bởi một thuyền trưởng siêu tài giỏi là Sir Alex Ferguson.
15 năm trong sự nghiệp của Neville tại Man United gắn liền với những lần “sấy tóc” của ông già gân, trong thời đại mà Man United của Fergie thống trị Premier League và khiến mọi đối thủ trên toàn cõi châu Âu phải khiếp sợ.
Nhưng Bruno Fernandes thì không có sự may mắn như vậy. Sụt giảm phong độ nghiêm trọng trong thời gian gần đây, nhưng trước đó, sự sáng tạo của Fernandes được coi như một tài sản quý giá với Man United.
Anh là một “nhạc trưởng” không chấp nhận những sự tầm thường, người luôn chăm chỉ, cật lực trên sân như một Quỷ Đỏ thực thụ và yêu cầu những đồng đội của mình cũng phải nỗ lực như thế. Vậy, điều gì đã thay đổi?
Vấn đề rõ ràng nhất là chiến thuật. Dưới thời Ole Gunnar Solskjær, mọi thứ rất đơn giản. Về cơ bản, “Sát thủ có bộ mặt thỏ non” chỉ đưa ra yêu cầu cho các cầu thủ của mình là: hãy đưa bóng cho Bruno Fernandes.
Tiền vệ mang số áo 18 này hoạt động rộng, nhận bóng và đưa ra những đường chuyền thật nhanh, pha nhiều tính may rủi cho một trong ba người thuộc tam tấu tấn công phía trước hoặc tự mình tung ra những cú sút. Bruno là điểm đến trong mọi pha tấn công và công việc của anh chỉ đơn giản là đưa ra nhát búa cuối cùng nhằm kết liễu đối thủ.
Hiện tại, có ba điều đã khiến kịch bản quen thuộc đó bị thay thế. Đầu tiên, Ole Solskjaer và các trợ lý rời khỏi Old Trafford và các đối thủ của MU đã quá quen với phong cách chơi tuyến tính này.
Thứ hai là sự xuất hiện của Ronaldo, điều làm thay đổi mọi thứ cả về chiến thuật lẫn văn hoá câu lạc bộ. Một tiền vệ sáng tạo đầy tham vọng người Bồ Đào Nha sẽ luôn nói rằng được chơi bóng cùng Ronaldo là một giấc mơ.
Nhưng thực tế thì thời gian càng trôi đi, viễn cảnh tươi đẹp ấy càng hoá thành ác mộng. Sự hiện diện của siêu sao 36 tuổi này là quá mạnh mẽ. Chỉ có một người là tâm điểm trong đội bóng có Cristiano Ronaldo, và đó chắc chắn không phải là Bruno.
Điều thứ ba là phong cách huấn luyện khác biệt của Ralf Rangnick, người ưa chuộng hệ thống 4-2-2-2 (hoặc 4-4-2), sơ đồ khiến Fernandes bị đẩy dạt sang trái khi Man United tấn công, một vai trò hoàn toàn khác.
Nhưng đó không phải là nguyên nhân lớn nhất, bởi Bruno vẫn có thể thành công, khi anh đã ghi rất nhiều bàn thắng và kiến tạo ở Champions League, đồng thời tạo ra 44 cơ hội, nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác ở Premier League.
Vấn đề lớn nhất là ở những cầu thủ hoạt động xung quanh Bruno. Manchester United đang rất chật vật, khi đội bóng này đang giống như một bầy ong vỡ tổ với một danh sách dài những cái tên không thể hiện được tính kết nối với các đồng đội, đó là Ronaldo, Harry Maguire, Donny van de Beek…
Và bởi vì bóng đá cũng giống như chương trình truyền hình, cần những nhân vật phản diện, và tất nhiên là các “anh hùng bàn phím” sẽ bỏ qua cho những “người hùng” gây thất vọng như Cristiano, người mà ngay cả tân HLV Ralf Rangnick cũng chẳng muốn động vào.
Ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt giờ đây cũng được soi dưới kính hiển vi. Fernandes đang bị coi là một kẻ thích cằn nhằn. “Ngôn ngữ cơ thể” của Bruno (điều trước đây được coi là thúc đẩy tinh thần đồng đội) giờ lại khiến anh giống như kiểu người bực tức khi phải xếp hàng và than khóc khi không vừa ý.
Fernandes giống như một chú kangaroo tội nghiệp bị cảm lạnh khi đi lạc trong thành phố lớn và chẳng thể kiếm nổi một người bạn.
Nhưng thực sự, Bruno đáng nhận được nhiều hơn sự tôn trọng. Một cầu thủ với vóc dáng gầy gò, thường về nhà sau mỗi trận đấu, xem lại băng ghi hình, ghi lại các số liệu thống kê của bản thân, và là bản hợp đồng tuyệt nhất kể từ khi Ferguson rời khỏi câu lạc bộ.
Những trận đấu mà Bruno toả sáng cũng là những thời điểm mà dường như các cổ động viên cảm thấy Manchester United đã tiến bộ hơn, đã vượt qua được những bóng ma thất bại trong quá khứ.
Thêm vào đó, đừng quên rằng Fernandes luôn chứng tỏ được khả năng của mình trong những ngày đen tối nhất, khi không ai ủng hộ và mọi thứ trở nên xám xịt.
Chỉ cần anh toả sáng để lấp đầy cơn đói bàn thắng, chỉ cần anh thực hiện vài pha kiến tạo, anh sẽ đem ánh sáng trở lại Old Trafford và dẹp đi mọi lời chỉ trích. Bruno có thể có những điểm yếu của riêng mình, nhưng rõ ràng anh luôn là một giải pháp đáng giá mỗi khi Man United gặp bế tắc.