Đến giờ, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải làm sáng tỏ hơn ý nghĩa của khái niệm “chung sống với dịch bệnh”. Nếu không thay đổi cách nhận thức, chúng ta tiếp tục ứng xử một cách cứng nhắc và kéo theo đó là sự sụp đổ của chuỗi cung ứng. Với một nền kinh tế có sức chống chịu hạn chế như Việt Nam thì việc đóng cửa chống dịch sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường. Thích ứng linh hoạt, vừa sản xuất vừa chống dịch và quan trọng nhất là chống dịch không được làm ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa được coi là lựa chọn không thể khác.
Từ cuộc chiến chống dịch, ngẫm đến chuyện ứng phó của nền bóng đá với những biến động của xã hội. Chúng ta đã phải đối diện với những hệ lụy tiêu cực từ việc hủy giải và đoạn kết của nó đến nay vẫn chưa thể xác định. Từ đời sống cầu thủ, đến những rắc rối của khía cạnh pháp lý và dễ nhận thấy nhất là chuyên môn của các đội tuyển đều bị ảnh hưởng. Nhưng có một điều, bóng đá Việt Nam không thể quay ngược bánh xe thời gian để có lựa chọn hợp lý hơn. Lúc này, những nhà quản lý phải tính đến phương án ít tổn thất nhất để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Và nếu để ý thì sẽ thấy, bóng đá Việt Nam đang cố gắng thích nghi một cách uyển chuyển nhất trong bối cảnh nhiều biến động. U23 Việt Nam được tập trung từ sớm và có màn chạy đà rất dài cho vòng loại U23 châu Á. Vấn đề ở đây không chỉ là tấm vé đến VCK U23 châu Á mà còn là sự tính toán cho SEA Games, cho những mục tiêu tiếp theo. Bởi lẽ, ai cũng biết, V.League không thể thi đấu trước tháng 2/2022 nên màn chạy đà tốn thời gian lúc này nhằm giúp các cầu thủ có thêm cơ hội trui rèn bản lĩnh.
Ứng biến với thực tiễn là yêu cầu sống còn với không chỉ U23 Việt Nam mà còn với tất cả các đội tuyển. Bởi lẽ, các sự kiện bóng đá không chờ đến hết dịch để diễn ra. Các đối thủ cũng đã quen dần với việc sống chung với dịch bệnh. Thế nên, đội bóng nào, nền bóng đá nào chịu đựng tốt hơn, sáng tạo hơn trong bối cảnh khắc nghiệt thì thành công sẽ đến.