Các tuyển thủ quốc gia Trung Quốc có lẽ đang đứng ngồi không yên khi nhiều CLB chủ quản của họ rơi vào vòng xoáy nợ nần, thậm chí là phá sản. Đó có thể là yếu tố cản trở họ tập trung cho trận đấu với Việt Nam.
Cái tên đầu tiên phải nhắc đến chính là CLB Quảng Châu Hằng Đại. Đội bóng này đang đóng góp đến 8 tuyển thủ quốc gia thi đấu tại vòng loại World Cup 2022. Đó là Zhang Linpeng, Tyias Browning, Gao Zhunyi, Elkeson, Alan Carvalho, Wei Shihao, Aloisio Goncalves, Liu Dianzuo, 4 trong số họ là những tuyển thủ Trung Quốc nhập tịch.
Nhưng 8 tuyển thủ quốc gia Trung Quốc vốn đang cùng ĐTQG tập luyện tại UAE chắc hẳn cũng đang nhấp nhổm với những diễn biến tiêu cực xoay quanh đội bóng của mình tại quê nhà. Sau khi thực hiện những thương vụ triệu đô, quả bong bóng mang tên Quảng Châu Hằng Đại đã vỡ vào năm nay. Cụ thể, tập đoàn Hằng Đại – bầu sữa của CLB rơi vào thảm cảnh đứng ở bờ vực phá sản, sau khi chính phủ Trung Quốc thực hiện chiến dịch chống tình trạng lạm dụng đòn bẩy tài chính ở các doanh nghiệp bất động sản.
CLB Quảng Châu Hằng Đại (Guangzhou Evergrande) rời vào cảnh nợ nần chồng chất
Tập đoàn rơi vào cảnh nợ đầm đìa và sắp phá sản, trong khi đó, CLB Quảng Châu Hằng Đại không có năng lực để bù lỗ. Báo cáo tài chính năm 2019 cho thấy, chi phí hoạt động của CLB Quảng Châu Hằng Đại lên 500 triệu USD trong khi doanh thu chỉ đạt không tới 1/3. Trớ trêu ở chỗ, 70% nguồn thu của Quảng Châu Hằng Đại chủ yếu các khoản “cho tiền” từ doanh nghiệp chủ quản: là các hợp đồng thương mại và quảng cáo được ký với các công ty con của Evergrande.
>>> Xem thêm: Bóng đá Việt Nam hôm nay
Nếu Quảng Châu Hằng Đại không thể duy trì được ngân sách trả lương như trước đây, những cái tên kể trên sẽ có nguy cơ phải tìm kiếm CLB mới, và chưa chắc họ đã duy trì được mức lương cũ vốn rất cao của mình. Nguy hiểm hơn, khi không còn có được lợi ích về mặt tài chính, thật khó để các ngôi sao nhập tịch không mang ‘dòng máu’ Trung Quốc trong người còn có thể tận hiến cho ĐTQG.
Ngoài trường hợp của Quảng Châu Hằng Đại, nửa năm trước, tức là tháng 3/2021, bóng đá Trung Quốc cũng rúng động trước thông tin đội vô địch Chinese Super League 2020 là Jiangsu Suning, hay còn gọi là Giang Tô Tô Ninh phải giải thể vì không được doanh nghiệp cứu. Số nợ của CLB Giang Tô Tô Ninh rơi vào khoảng 500 triệu nhân dân tệ (khoảng 63,8 triệu USD). Bản thân tập đoàn Tô Ninh cũng cắt toàn bộ các khoản đầu tư vào bóng đá. Đội bóng này đối mặt với khoản nợ lên tới hàng triệu triệu USD, chủ yếu là nợ lương cầu thủ.
Tuyển thủ Trung Quốc đối mặt tương lai bất định
Một câu chuyện khác cũng liên quan đến nợ nần của bóng đá Trung Quốc vừa mới được đưa tin. Theo đó, đội bóng Tứ Xuyên Annapurna đã nhận tuyên bố phá sản từ tòa án địa phương. Năm 2019, họ là tân binh của giải VĐQG Trung Quốc. Tuy nhiên, đội bóng này liên tục bị tố quỵt lương. Dù cố gắng hoàn thành mùa giải và trụ hạng năm đó nhưng trước sức ép của dư luận, CLB thuộc Tứ Xuyên này đã phải rút lui bất đắc dĩ.
Trước những quả bong bóng ảo tưởng bởi kim tiền cứ vỡ dần từ bé đến lớn rồi tới rất lớn, các cầu thủ Trung Quốc đương nhiên có lý do để hoang mang. Cũng vì vậy mà trước tình hình này, HLV Li Tie của ĐT Trung Quốc đã buộc phải tổ chức cuộc họp trấn an tinh thần các tuyển thủ quốc gia , đặc biệt là những gương mặt thuộc biên chế Quảng Châu Hằng Đại, động viên họ tập trung tốt nhất cho trận đấu với Việt Nam đầu tháng 10 và LĐBĐ Trung Quốc sẽ có những phương án duy trì sự nghiệp tại Super League cho họ thật thỏa đáng.