Có thể bạn cho thế là quá thực tế, nhưng bóng đá chuyên nghiệp là vậy, sống đã rồi mới nghĩ đến những cái đích được cho là cao cả khác.
Nhiều người nói, Cúp QG ngày càng có giá. Các đội bóng nhập cuộc với tất cả sự quyết tâm. Nó khác với những ám ảnh của chúng ta trong quá khứ về cách tiếp cận của làng bóng đá với sân chơi này. Ở đó, nhiều đội bóng coi Cúp QG là gánh nặng. Phải thi đấu thêm trận nên các đội bóng phải tiêu tốn thêm thời gian về tiền bạc. Đó là chưa kể đến việc, họ phải căng mình trên hai mặt trận và có nguy cơ làm ảnh hưởng đến đấu trường quan trọng nhất là V.League. Thế nên, bằng rất nhiều cách và lý do khác nhau, nhiều đội bóng chọn cách dừng lại ở Cúp QG từ sớm.
Giờ thì không ai coi Cúp QG là gánh nặng nữa. Họ coi đó là cơ hội. Cơ hội để có danh hiệu. Cơ hội để đáp ứng áp lực thành tích từ NHM, từ các nhà tài trợ và từ chính ông bầu. Nhưng thực tế hơn một chút, với những người tham gia hoạt động bóng đá như HLV, cầu thủ, nhân viên CLB thì Cúp QG là cơ hội để kiếm tiền. Với họ, bóng đá là cuộc sống. Cụ thể hơn là bóng đá mang đến cơ hội kiếm tiền. Cứ đá là có tiền. Cứ thắng là có khá khá tiền. Họ trông đợi vào những khoản tiền thưởng từ một trận thắng, từ phần thưởng của nhà tổ chức giải.
Làng bóng đá giờ sòng phẳng và minh bạch hơn. Mọi mối quan hệ đều được định vị một cách rõ ràng, quy trách nhiệm lẫn nhau. Những người làm thuê muốn có tiền, có nhiều tiền để trả cho sức lực và sự cố gắng của mình. Những nhà quản lý, ông chủ đương nhiên cần thành tích cho bài toán chiến lược của mình.
Đó là mối quan hệ qua lại, bền chặt và có tác động trực tiếp với nhau. Sự thực tế ấy không hẳn là thực dụng mà nó cho thấy trách nhiệm của mỗi bên trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Và nói cho cùng, bóng đá cần sự dấn thân, cần sự tỏa sáng của những tài năng. Đương nhiên, cái giá của tài năng, của sự tận hiến phải xứng đáng và kịp thời. Nói cho cùng, sự sòng phẳng ấy là nền tảng cho bóng đá chuyên nghiệp mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng.