Phát biểu với báo giới, nữ Trưởng đoàn quyền lực Nualphan Lamsam bày tỏ quan điểm về SEA Games: “Cá nhân tôi cho rằng đây là một giải đấu không được phép bỏ qua. Tôi tin là U23 Thái Lan phải dự SEA Games với đội hình mạnh nhất”. Phát biểu này đương nhiên phải nhận được sự phê chuẩn của lãnh đạo cao nhất LĐBĐ Thái Lan. Và đương nhiên, nó tác động ngay lập tức với sự chuẩn bị của U23 Thái Lan tại SEA Games 31. HLV Mano Polking, người được mặc định dẫn dắt ĐTQG với những mục tiêu lớn lập tức được điều chuyển xuống U23 QG. Kéo theo đó, Thai League phải đổi LTĐ để Polking có được lực lượng tốt nhất dự SEA Games 31.
Dư luận bóng đá Việt Nam đã diễn ra những đợt tranh luận sôi nổi xung quanh sự chuẩn bị cho SEA Games của U23 QG. Tranh luận bởi U23 chỉ là đội tuyển trẻ nhưng cả hệ thống thi đấu đã phải dừng lại để ông Park toàn tâm toàn ý cho mục tiêu tìm vàng. Nhiều người bảo, bóng đá Việt Nam dành quá nhiều ưu ái cho U23 QG và cá nhân ông Park. Họ nhắc đến quyền lợi của giải đấu, của các CLB khi giải đấu phải tạm dừng nhường chỗ cho SEA Games. Và đương nhiên, bóng đá Thái Lan luôn được đem ra để so sánh. Rằng, người Thái rất biết cách bảo vệ quyền lợi của giải đấu quốc nội và không chạy theo thành tích ở SEA Games.
Giờ thì bóng đá Thái Lan cũng quay xe. Hay nói đúng hơn, họ hiểu rằng, nếu thất bại ở SEA Games thì đó thực sự là bước lùi của đời sống bóng đá. SEA Games nói cho cùng là sân chơi cấp khu vực nhưng nó có tác động sâu sắc đến bức tranh và lộ trình phát triển của một nền bóng đá. Hơn ai hết, chúng ta thấu hiểu những hệ lụy mà SEA Games hay AFF Cup có thể mang đến cho đời sống bóng đá.
Bóng đá Thái Lan vốn có quá nhiều biến động thời gian qua cũng có chung cách vận hành và tầm nhìn giống chúng ta. Họ cũng muốn có một chiến công đủ lớn để làm động lực cho sự phát triển. Thế nên, dù có tranh cãi, thậm chí là sự không hài lòng ở góc độ nào đó thì tin chắc một điều, không chỉ Thái Lan, Việt Nam mà bất cứ nền bóng đá đang phát triển nào cũng sẽ dốc toàn lực cho đấu trường trước mắt khi chưa thể vươn khơi.