Trận đấu đã chỉ ra khoảng cách giữa một “ông giáo” dạy lý thuyết và một người HLV thực chiến là mênh mông đến thế nào. Đồng ý rằng Bielsa đã đưa ra những triết lý chiến thuật, những phát kiến thú vị tạo cảm hứng cho Pep Guardiola. Nhưng cũng giống như khái niệm về thầy giáo, họ thiếu tính ứng dụng thực tiễn, và vì vậy họ dễ bị tiêu diệt khi đối diện với những người đã “thân trải trăm trận”.
Cũng từ trận đấu này mà BLĐ Leeds đã nghiêm túc trong việc quyết định có nên sa thải HLV Marcelo Bielsa hay không. Trước đó, vị thế của Marcelo Bielsa với Leeds là rất cao. Ông không chỉ là một báu vật (vị thế của ông trong làng bóng đá là hàng đầu), mà còn là một cứu tinh (người đưa Leeds trở lại Premier League sau 2 thập kỷ ngụp lặn ở hạng đấu dưới), nhưng trận thua 0-7 ấy đã gây ra một ấn tượng sâu sắc cho những người làm bóng đá ở xứ sương mù.
Có thật những người như Bielsa hay như Ralf Rangnick – người được xưng tụng là “thầy của các thầy”, thầy của Klopp, Tuchel… cũng vĩ đại và đem lại hiệu quả cao như tấm áo khoác lên người? Câu trả lời đã rõ: họ không nên tồn tại trong môi trường đỉnh cao này, môi trường của những gà chiến. “Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Lời thơ trong tác phẩm “Faust” của đại thi hào Johann Wolfgang (von) Goethe từ lâu đã trở thành một mệnh đề có tính triết học. Bóng đá cũng không thoát khỏi quy luật này.
Nhưng còn một lý do nữa, đó là tính cách. Có người hợp với nghiên cứu khoa học, và có người hợp với kinh doanh, có người chỉ có thể đưa ra công thức, còn người kia đưa được ra thực tiễn. Trong cuộc gặp đầu tiên giữa Pep và Bielsa cách đây 2 thập kỷ, khi Pep là người học việc và lắng nghe những gì Bielsa chỉ dạy, thì Bielsa đã nói với Pep câu này: “Tại sao một người biết quá rõ những thứ rác rưởi, sự lọc lừa trong bóng đá lại muốn quay lại để trở thành HLV, cậu thích sự tàn bạo lắm à?”. Và Pep trả lời, “tôi cần nó”. Vâng, con người của Pep Guardiola rõ ràng không thuần túy như con người của Marcelo Bielsa. Nếu cần ví dụ thì cứ hỏi Zlatan Ibrahimovic hay Yara Toure thôi, nhưng quan trọng nhất là để thành công trong thế giới đó, bạn không chỉ mỗi giỏi chuyên môn, mà còn phải giỏi về chính trị. Tức là nếu các HLV chỉ biết suy nghĩ về chiến thuật, triết lý, mà không biết suy nghĩ về chính trị, họp báo, đối nhân xử thế, thì kết cục cũng không thành công.
“Chiến thuật là chết, nhưng con người là sống.” Với Pep, ông đã đưa con người đến sát chiến thuật nhất.