Nếu được ra sân trong trận đấu sắp tới của ĐT Anh (gặp Andorra ngày 5/9 ở vòng loại World Cup 2022), thì đấy hẳn nhiên là cột mốc quá đáng nhớ cho Patrick Bamford. Anh sẽ có lần đầu tiên khoác áo ĐTQG, vào đúng ngày sinh nhật của mình. Chỉ có điều, đấy đã là sinh nhật thứ… 28. Quá muộn mằn?
Vui là được. Nếu như Patrick Bamford có mộng ước khoác áo ĐTQG hơn trăm lần, ghi khoảng 50 bàn thắng và tham dự 3-4 kỳ World Cup, như “công thức chung” cho các ngôi sao hàng đầu thế giới, coi như anh đã thất bại. Ngôi sao nào mà phải đợi đến tuổi 28 mới có hy vọng xuất hiện lần đầu tiên, ở ĐTQG!
Lại phải nói thêm, Bamford có hy vọng khoác áo Tam Sư lần đầu tiên (thậm chí có thể đá chính) chẳng qua vì đây là dịp để HLV Gareth Southgate “xoay tua” đội hình. Andorra là đối thủ yếu nhất. Trong trận trước, cũng ở loạt này, ĐT Anh gặp đối thủ tương đối đáng gờm là Hungary, nên Southgate không thể phiêu lưu dùng ngày Bamford! Xin nhắc lại, chỉ là “tương đối” đáng gờm thôi. Anh đã thắng 4-0 trên sân Hungary mà. Nhưng, đấy tất nhiên không phải là cơ hội cho Bamford.
Cách đây 2 năm, HLV Mick McCarthy của ĐT Ireland nói ông vẫn chờ Bamford (tiền đạo này đủ tư cách chọn ĐT Ireland hoặc Anh). Cựu danh thủ Robbie Keane chỉ trích ngay: “Với Bamford, thì khỏi chờ. Anh ta phải chạy theo ĐT Ireland, phải mong muốn tham gia đội này. Anh ta phải tự tìm đến. Không thì thôi. ĐT Ireland không nên chạy theo một cầu thủ cỡ Bamford”. Còn ở tầm CLB, đội Leeds United của Bamford chỉ vừa lên hạng trong mùa bóng trước, và đây là mùa thứ hai liên tiếp Bamford thi đấu ở đẳng cấp cao nhất.
Tất cả nói lên, rằng Bamford không bao giờ là ngôi sao, kể cả khi anh thi đấu ở Premier League, mà nhìn vào đâu người ta cũng thấy nhan nhản các loại sao “dỏm”, chủ yếu do báo chí đánh bóng quá lố. Và do không có đẳng cấp ngôi sao, Bamford cũng không nhất thiết phải băn khoăn với việc lọt vào ĐTQG ở độ tuổi quá muộn mằn như thế này. Anh có cơ hội lần đầu khoác áo ĐTQG, và đấy hẳn nhiên là cột mốc để đời của bất cứ cầu thủ chuyên nghiệp nào. Hãy chờ xem cái cách mà Bamford trân trọng “cột mốc để đời” trong sự nghiệp mình, nếu nó thật sự xuất hiện.
Ứng với mỗi kẻ cuồng si đến mức trở thành nô lệ cho khả năng gặt hái danh hiệu (như Harry Kane, cả đời quay quắt với giấc mơ đến Man City để có danh hiệu), cũng phải có một cầu thủ chơi bóng trước tiên chỉ vì niềm vui thuần túy. Bamford chính là dạng này. Và anh xứng đáng có được niềm vui khoác áo Tam Sư, lần đầu tiên trong đời. Như thế tức đã có kỷ niệm lớn, để sau này nhớ mãi rồi. Bóng đá của Bamford là thứ bóng đá mãi mãi chẳng có danh hiệu. Đáng nói hơn, Bamford sẽ chẳng bao giờ lấy làm quan trọng trước cái khả năng mãi mãi không có danh hiệu ấy.
Bóng đá được ví von với xã hội, cuộc sống. Vậy nên, bóng đá luôn cần những cầu thủ… chẳng có gì, như Bamford. Ngày xưa, ai mà biết đến Hansi Flick (tân HLV trưởng đội tuyển Đức, vừa ra mắt trong loạt trận này). Dù sao đi nữa, Flick đã từng tham gia trận chung kết cúp C1 châu u. Thế là cuộc đời cũng như sự nghiệp khiêm nhường của ông có cái để nhớ. Cũng ở cái thời mà cầu thủ Hansi Flick ít ai biết đến khoác áo Bayern Munich đá trận chung kết cúp châu u 1987, thì cầu thủ Nolbert Eder – càng ít được biết hơn – khoác áo đội Đức đá trận chung kết World Cup 1986. Dĩ nhiên, chẳng cần ai biết. Họ tự trân trọng cột mốc để đời của mình, như Bamford sắp tới vậy!
Bamford lại khác!
Patrick Bamford thuộc mẫu “con nhà giàu học giỏi”. Anh có học bổng để học kinh tế và chơi bóng ở Đại học Havard, nhưng khước từ vì muốn ở lại Anh chơi bóng. Anh biết chơi piano, violin, guitar và saxophone. Anh nói trôi chảy tiếng Pháp, TBN, Đức. Người ta thường nói bóng đá là môn chơi của giới bình dân, là lối thoát cho trẻ em nghèo ở các khu ổ chuột. Với Bamford, không nhất thiết cứ phải là “con nhà nghèo” để học giỏi, phải bình dân để chơi bóng hay.