Hàng tiền vệ hình hộp
ĐT Pháp đã giành chức vô địch châu Âu năm 1984 với “khối vuông ma thuật” gồm Luis Fernández, Alain Giresse, Jean Tigana và Michel Platini. Vì vậy, khái niệm có hai cầu thủ dâng cao và hai cầu thủ lùi sâu ở một hàng tiền vệ bó hẹp không hẳn là mới lạ.
Tuy nhiên, các đội bóng hàng đầu của Premier League bố trí khu vực giữa sân hơi khác một chút, thường là do hậu vệ thay đổi vị trí. Tại Man City là việc trung vệ John Stones dâng cao đá cặp với Rodri, khi Man City xây dựng lối chơi với hai tiền vệ nhô cao phía trước. Còn Arsenal lại sử dụng hai hậu vệ cánh là Oleksandr Zinchenko và Jurrien Timber trong mùa giải này để tạo khối.
Điều thú vị nhất là HLV Jurgen Klopp đã bắt chước đại kình địch Pep Guardiola, bằng cách đưa Trent Alexander-Arnold vào trong đá bên cạnh tiền vệ cầm trịch của Liverpool. Hai tân binh Alexis Mac Allister và Dominik Szoboszlai sẽ chơi cao hơn, khiến cho lối chơi có bóng của Liverpool trở thành khối 3-box-3 như của Man City.
Hệ thống này cho phép nhiều tùy chọn chuyền ở trung tâm hơn với những cầu thủ ở gần. Việc tập trung vào giữa sân cũng tạo ra một rào cản chống lại các pha phản công của đối phương nếu mất bóng. Hai cầu thủ nhô cao cũng đảm bảo không gian ở trung tâm và bên cánh luôn được sử dụng.
Việc bố trí nhiều cầu thủ ở giữa sân hơn cũng thu hẹp phạm vi phòng ngự của đội, khiến cầu thủ chạy cánh bị cô lập với hậu vệ cánh của đối thủ. Các cầu thủ chạy cánh nhận đường chuyền từ một hậu vệ cánh đang đứng ở hàng tiền vệ cũng sẽ dễ triển khai tấn công hơn, thay vì phải nhận bóng trong thế quay lưng với khung thành.
Chiến thuật đấu bò tót
Pep Guardiola là điểm tham chiếu cho các xu hướng chiến thuật trong thập kỷ qua, nhưng bản thân HLV này cũng học lỏm người đồng nghiệp Roberto De Zerbi của Brighton. Trong khi Pep khuyến khích các cầu thủ đưa bóng vào khoảng trống, thì các cầu thủ của De Zerbi sẽ tạm dừng và chờ đối thủ áp sát họ.
Ý tưởng là để thu hút sức ép, trước khi vượt qua và di chuyển vào không gian được tạo ra với sự kết hợp của người thứ ba. Một khi sức ép bị phá vỡ, Brighton sẽ tấn công với tốc độ cao với các “máy chạy” cánh như Kaoru Mitoma và Solly March. Những nước đi này mang dáng dấp của những đường phản công, nhưng Brighton đã tạo ra chúng nhờ những tình huống xây dựng lối chơi.
Cách tiếp cận này không phải lúc nào cũng hấp dẫn khán giả, khi các hậu vệ của Brighton phải đứng chôn chân trên quả bóng như các matador (võ sĩ đấu bò) đợi con bò tót lao vào. Mặc dù hiệu quả cao, nhưng nó sẽ khiến nhịp điệu trận đấu bị chậm hoặc ngắt quãng. Song khá nhiều HLV đã học món võ này của De Zerbi.
Kể từ khi Opta bắt đầu ghi lại thống kê vào mùa 2015/16, tốc độ trung bình của các pha tấn công trực tiếp tại Premier League đã giảm từ 1,72 xuống 1,41 mét/giây. Số lần tấn công trực tiếp mỗi trận đã giảm từ 3,82 xuống 3,13. Xu hướng đó có thể tiếp tục nếu các đội quyết định đợi đối thủ di chuyển trước khi hành động.
Đô vật trên hàng công
HLV Mikel Arteta đã dùng Kai Havertz ở vị trí tiền đạo ở trận tranh Community Shield, tuy tân binh này bắt đầu trận đấu ở vị trí tiền vệ tấn công. Liverpool đã mua Darwin Nunez và Cody Gakpo trong 12 tháng qua, trong thời gian đó Erling Haaland đã hủy diệt mọi hàng thủ tại Premier League. Tiền đạo mới của MU là Rasmus Hojlund cũng cao tới 1m91. Trong khi “số 9” Evan Ferguson của Brighton cũng mang dáng dấp của một trung phong cổ điển.
Luton Town sẽ dựa vào cặp tiền đạo Carlton Morris và Elijah Adebayo. Fulham và Everton chắc chắn vẫn phụ thuộc vào Aleksandar Mitrovic và Dominic Calvert-Lewin. Còn Brentford sẽ đếm từng ngày cho đến khi Ivan Toney trở lại.
Các phân tích dữ liệu đã cho thấy các CLB có xu hướng sử dụng khả năng đánh đầu để xử lý các cơ hội không quá nguy hiểm, hay như xu hướng tạt bóng từ vị trí gần biên ngang để tăng mức độ sát thương. Để làm được điều đó, họ cần có một trung phong cao to ở vòng cấm.
Việc sử dụng sức mạnh không chiến của một tiền đạo cao lớn có thể cực kỳ hữu ích khi chơi pressing tầm cao. Các kế hoạch pressing được tổ chức tốt trên toàn tuyến, có thể theo khu vực hoặc mục tiêu hoặc kết hợp cả hai. Tuy nhiên, chiến thuật này có khả năng mang lại hiệu quả cao nhất, nhưng cũng rủi ro nhất.
Hậu vệ cánh kiểu cũ
Cách đây không lâu, mọi đội bóng đều muốn tìm những hậu vệ cánh kiểu Dani Alves hoặc Ashley Cole. Những cầu thủ chạy cánh này thường dâng cao trước khi chồng biên với tiền vệ. Không ai phủ nhận giá trị của hậu vệ cánh tấn công, nhưng các HLV lại đang thích những hậu vệ cánh thiên về phòng ngự hơn.
Man City thường xuyên xếp đội hình với 4 trung vệ cộng với Rodri ở mùa giải trước, trong khi Arsenal sử dụng Ben White, William Saliba, Gabriel và Timber trong trận gặp Man City ở Community Shield. Cả 4 cầu thủ này đều đã từng chơi ở vị trí trung vệ.
Một lý do để các HLV sử dụng ít nhất một hậu vệ cánh kiểu cũ là để họ trở thành đối trọng với lối chơi đảo ngược của hậu vệ cánh đối diện. Một số đội hiện thiết lập mô hình bất đối xứng, với mỗi hậu vệ cánh làm những công việc khác nhau. Newcastle xếp với cỗ máy tạt bóng Kieran Trippier bên cánh phải và trung vệ chuyển đổi Dan Burn bên cánh trái.
Một lý do khác là nhiều cầu thủ ghi bàn nguy hiểm nhất Premier League – chẳng hạn như Marcus Rashford, Mohamed Salah và Bukayo Saka – thường tấn công từ cánh. Một trung vệ thuận chân phải chơi ở vị trí hậu vệ trái có thể hiệu quả trước những tiền đạo cánh đang tìm cách cắt vào trong.