Julian Nagelsmann vừa có lần đầu tiên bị sa thải một cách chóng vánh và đầy bất ngờ. Nhưng người kế nhiệm Nagelsmann tại Bayern, Thomas Tuchel lại thường xuyên bị đẩy ra đường một cách phũ phàng như vậy.
Ở Chelsea, Tuchel mất việc chỉ ít giờ sau trận thua Dinamo Zagreb hồi tháng 9 năm ngoái. Thậm chí sáng hôm sau trận đấu, vị HLV người Đức vẫn tới sân tập mà không hay biết gì cho tới khi được ông chủ Todd Boehly gọi vào phòng họp và công bố quyết định sa thải.
Trước đó tại PSG, Tuchel cũng bị sa thải một cách bất ngờ ngay sau trận thắng giòn giã 4-0 trước Strasbourg vào cuối tháng 12/2020. Một kịch bản tương tự diễn ra khi Tuchel còn ở Dortmund. Chưa đầy 72 giờ sau chiến thắng trước Frankfurt tại chung kết Cúp Quốc gia Đức, Tuchel bị đội bóng vùng Ruhr sa thải.
Cả Chelsea, PSG lẫn Dortmund đều sa thải Tuchel theo cùng một kịch bản nhanh gọn, bất ngờ và không cho đối phương kịp phản ứng, bất luận công trạng không nhỏ của vị HLV người Đức và dấu ấn về mặt chuyên môn. Nên nhớ, Tuchel đã mang chức vô địch Champions League về cho Chelsea, kéo PSG tới chung kết Champions League và giải cơn khát danh hiệu kéo dài 3 năm cho Dortmund.
Phải có một lý do trầm trọng, vượt lên khỏi câu chuyện thành tích, để Tuchel liên tục bị sa thải một cách chóng vánh. Đó là mâu thuẫn với giới thượng tầng của đội bóng. Chelsea, PSG hay Dortmund đều chứng kiến chiến lược gia người Đức xung đột, công kích thậm chí đối đầu với ban lãnh đạo CLB.
Ở Chelsea, ông chủ Todd Boehly từng mô tả Tuchel là một “cơn ác mộng” vào giai đoạn cuối của vị HLV này tại sân Stamford Bridge. Không chỉ bất đồng với giới lãnh đạo về chuyển nhượng, Tuchel còn xung đột với các cầu thủ đến mức trừng trị Hakim Ziyech, Christian Pulisic, Timo Werner, Romelu Lukaku và Calum Hudson-Odoi bằng cách giam cầm trên ghế dự bị.
Tại PSG, Tuchel và GĐTT Leonardo có mâu thuẫn sâu sắc về chuyển nhượng. Tuchel bất mãn vì Leonardo không đáp ứng yêu cầu của ông trên TTCN. Tuchel muốn một trung vệ nhưng Leonardo lại mang về tiền vệ Danilo Pereira. Để đáp trả Leonardo, Tuchel kéo cầu thủ người Bồ Đào Nha về đá trung vệ. Sau đó là những phát biểu mang tính công kích của Tuchel đã khiến Leonardo phải “loại trừ” vị HLV người Đức khỏi đội bóng.
Câu chuyện tương tự diễn ra tại Dortmund khi Tuchel xung đột nặng nề với GĐĐH Hans-Joachim Watzke về chuyển nhượng. Việc Watzke bán các trụ cột Mats Hummels, Henrykh Mkhitaryan và Ilkay Guendogan đã khiến Tuchel nổi giận. Dortmund khi đó ngày một tiến bộ trong tay Tuchel, nhưng cuộc chiến Tuchel – Watzke phải có kẻ thắng người thua.
Có thể thấy, Tuchel không phải là HLV dễ thỏa hiệp đặc biệt đòi hỏi rất cao trong việc được đáp ứng các yêu cầu về chuyển nhượng. Những phát ngôn của Tuchel cũng không nể nang và chỉ xứng đáng “xách dép” cho Carlo Ancelotti trong việc duy trì mối quan hệ hiệu quả với giới thượng tầng và cầu thủ.
Cần biết ở Bayern, quyền lực đang tập trung vào GĐĐH Oliver Kahn và GĐTT Hasan Salihamidzic. Cả hai đều khá độc đoán và quyền lực, và đừng quên chính Nagelsmann cũng có bất đồng với Salihamidzic về vấn đề chuyển nhượng.
Liệu Tuchel có dẫm vào vết xe đổ của chính mình tại Bayern?