Với những bất cập về kinh phí và con người, nếu VPF không tìm được hướng giải quyết tối ưu, ngày VAR được áp dụng tại V.League vẫn còn rất xa.
V.League 2021 đã chính thức bị hủy do những tác động của đại dịch COVID-19 gây ra. Nhìn lại hành trình đã qua của giải đấu, bên cạnh sự thăng hoa của HAGL, V.League tiếp tục chứng kiến chứng kiến một thực trạng không ai mong muốn diễn ra. Đó là những quyết định thiếu chuẩn xác của các trọng tài.
Trong trận đấu giữa TP.HCM vs Hà Nội FC trong khuôn khổ vòng 5, Ngô Hoàng Thịnh đã có pha vào bóng thô bạo khiến chân của tiền vệ Đỗ Hùng Dũng bị gãy và rời sân bằng xe cấp cứu. Trọng tài Vũ Nguyên Vũ đứng rất gần cú phi thân của Hoàng Thịnh (CLB TP.HCM) vào chân của Hùng Dũng (Hà Nội FC) đã rất nhanh nhảu rút thẻ vàng cho cầu thủ phạm lỗi.
Tuy nhiên sau khi phát hiện tiền vệ CLB Hà Nội chấn thương nặng, trọng tài Nguyên Vũ sau đó mới rút thẻ đỏ cho Hoàng Thịnh. Dưới sức ép kinh khủng của dư luận, Ban kỷ luật VFF quyết định cấm thi đấu Hoàng Thịnh đến hết năm 2021, bên cạnh đó là chịu trách nhiệm cho chi phí chữa chấn thương của Hùng Dũng.
Dẫu vậy, những án phạt này của BTC dường như chỉ để trấn an dư luận và không đủ sức răn đe với các cầu thủ. Bởi lẽ những tình huống bạo lực trên sân cỏ tiếp tục tiếp diễn ở những vòng đấu sau đó. Hà Nội FC gặp Hà Tĩnh trên sân nhà tại vòng 6 V.League, trung vệ Trần Đình Trọng rượt theo túm quần Chevaughn Walsh của Hà Tĩnh và bị ngoại binh người Jamaica vung tay vào mặt. Trọng tài đến lúc đó mới cắt còi, nhưng ông không phạt thẻ Đình Trọng.
Ở vòng đấu tiếp theo, một tình huống khác lại khiến người hâm mộ xem V.League 2021 bất bình. Vào cuối trận Sài Gòn thua Nam Định 0-3, Phan Thế Hưng (Nam Định) thẳng chân đạp vào ống quyển của Công Thành (Sài Gòn). Quá đau, Công Thành ngã xuống sân. Trọng tài Nguyễn Ngọc Châu chạy đến nói với Công Thành rằng: “Quẹt trúng, quẹt nhẹ vậy làm gì nằm ăn vạ vậy”.
Những quyết định thiếu chuẩn xác của các trọng tài tại V.League vốn là điều không còn quá xa lạ với khán giả Việt Nam. Nguyên nhân của vấn đề này này có lẽ đến từ đội ngũ trọng tài trong nước hiện nay vừa yếu lại vừa thiếu. Để giải quyết được vấn đề này, không có giải pháp nào tốt hơn việc áp dụng công nghệ VAR vào giải đấu.
Còn nhớ trong trận đấu HLHT để thua CLB TP.HCM, HLV đội khách cho rằng, cần có công nghệ VAR để các đội bóng không chịu thiệt bởi phán quyết bất công của các trọng tài. “Tôi nghĩ phải có VAR để các quyết định chuẩn xác hơn và công bằng với các đội bóng. Như tôi đã nói, đó là bóng đá và cần công bằng hơn”, HLV Phạm Minh Đức nhấn mạnh.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, vì sao V.League vẫn chưa thể áp dụng công nghệ VAR?
VAR – “cũ người, mới ta”
Khái niệm VAR hiện đã trở nên vô cùng quen thuộc đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, thế nhưng trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rõ VAR được vận hành như thế nào. Ngoài ra, hầu hết các cầu thủ Việt Nam chưa được trải nghiệm VAR trong các trận đấu chính thức khi V.League chưa có điều kiện áp dụng công nghệ này nên không có gì bất ngờ khi khẳng định VAR là “cũ người, mới ta” với bóng đá Việt Nam.
Kể từ khi công nghệ VAR (Video Assistant Referee – hỗ trợ trọng tài bằng video) được Hiệp hội Bóng đá quốc tế (IFAB) thông qua vào năm 2016 và được thử nghiệm lần đầu vào tháng 8/2016 trong một trận đấu bóng đá ở giải nhà nghề Mỹ, 5 năm trôi qua, VAR đã quá quen thuộc với người hâm mộ bóng đá toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
VAR đã xuất hiện ở các giải đấu hàng đầu châu Âu cấp CLB mà đỉnh cao là UEFA Champions League. Trên đấu trường thế giới, VAR xuất hiện lần đầu tiên tại World Cup 2018 (Nga). Mới đây nhất, EURO 2020 là kỳ EURO đầu tiên có VAR.
Ở Đông Nam Á, Thái Lan đã trở thành ngọn cờ tiên phong cho việc đưa VAR vào các giải VĐQG ở Đông Nam Á. Mặc dù không được như các giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu thế giới như World Cup hay Euro, BTC Thai League chỉ áp dụng VAR ở 3 trận đấu mỗi tuần, nhưng việc đưa VAR về với Thái Lan đã được xem là thành công rất lớn của LĐBĐ nước này.
“Việc chỉ áp dụng ở 3 trận mỗi vòng là nước đi ban đầu của Thai League. Chúng ta cần thêm thời gian để hoàn thiện công nghệ này, nhất là trong bối cảnh Thai League đang trong thời kỳ thay đổi. Tuy vậy, LĐBĐ Thái Lan sẽ làm mọi cách để phục vụ NHM cũng như đưa những công cụ tân tiến nhất thế giới về với Thái Lan, dù nó có tốn bao nhiều tiền đi chăng nữa“, Chủ tịch FAT – Somyot Poompanmoung chia sẻ với báo giới vào tháng 7/2018, thời điểm VAR mới áp dụng vào Thai League.
Vì sao V.League vẫn chưa áp dụng VAR?
Có hai nguyên nhân dẫn đến việc VAR vẫn chưa thể áp dụng tại V.League. Đó là kinh phí và nhân sự điều hành. Trên thực tế, nếu áp dụng mô hình VAR của Thái Lan, VPF sẽ giảm được ¼ chi phí vận hành. Tuy nhiên, theo chủ tịch VPF, ông Trần Anh Tú, dù giảm được chi phí nhưng vấn đề về mặt nhân sự vẫn là vấn đề đối với kế hoạch đưa VAR vào các trận đấu tại V.League.
“Nếu áp dụng mô hình VAR của Thái Lan, việc vận hành công nghệ VAR ở V.League là rất tốn kém về cả chi phí lẫn con người. Vì mỗi buồng VAR phải có 3-4 người (trong đó có 2 kỹ thuật viên và 2 trọng tài VAR). Trong khi chúng ta nghèo quá có thể chỉ dùng 1 trọng tài VAR. Vì vậy cho nên, việc áp dụng VAR vẫn chưa thể là dễ dàng với V.League”.
Lời ông Trần Anh Tú nói quả thật không sai không sai, Theo kế hoạch được đề ra, để triển khai VAR tại V.League, phái đoàn FIFA đã làm việc với VPF và họ ấn định cho trọng tài Việt Nam phải tập huấn 7-8 đợt, mỗi đợt 7-10 ngày với cả 100 trọng tài, như vậy sẽ kéo dài thời gian cả năm. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện nay, có vét hết cũng không lấy đâu ra 50% số lượng trọng tài mà FIFA yêu cầu.
Ngoài ra, việc áp dụng VAR chắc chắn sẽ gây ra thêm nhiều tranh cãi vì vốn dĩ, công nghệ này chỉ để hỗ trợ, còn quyết định cuối cùng nằm trong quyền của trọng tài chính. Không nói đâu xa, tại vòng loại World Cup 2022 – Khu vực châu Á, ĐT Việt Nam đã gặp bất lợi sau những lần can thiệp của VAR. Đó là tấm thẻ đỏ của Duy Mạnh trong trận đấu với Saudi Arabia và tình huống trọng tài từ chối cho Việt Nam hưởng quả phạt đền trong trận đấu với Australia.
Ngay lập tức, việc này đã gây ra những tranh cãi và thậm chí, một số CĐV quá khích còn “ập vào” trang cá nhân của các trọng tài để buông lời lăng mạ, xúc phạm họ. Và như đã nói ở trên, chính bởi việc chưa hiểu rõ cách vận hành của VAR sẽ khiến cho NHM lẫn các cầu thủ trên sân dễ bị “kích động” bởi những quyết định của trọng tài. Vì lẽ ấy, nếu VPF không tìm ra được giải pháp hạn chế những bất cập trên, ngày VAR về V.League vẫn còn xa lắm.