HLV Ronald Koeman nói rất giáo điều, dù tất nhiên là đúng: “Chúng ta không thể sống bằng quá khứ. Chúng ta phải sống với hiện tại, và tương lai”. Gerard Pique thì rõ ràng, cụ thể hơn: “Không có Lionel Messi, Barcelona vẫn sẽ đá đẹp và tranh chấp các danh hiệu trong mùa bóng này”.
Lịch thi đấu La Liga 2021/2022
Bảng xếp hạng La Liga 2020/2021
Không có quá khứ… thế nào được. Chẳng lẽ người ta không nên nhớ gì về quá khứ đầy ắp sự kiện của Barcelona – vốn là hơn cả một đội bóng? Chẳng lẽ đừng ai nên nhớ, rằng cú sút phạt cực mạnh ở phút 112 của Koeman đã đem về cho Barcelona bàn thắng duy nhất trong trận chung kết cúp C1 châu Âu 1992, qua đó lần đầu lên ngôi vô địch châu Âu tầm CLB? Dù sao đi nữa, tóm lại thì nói bấy nhiêu là vừa. Quên Messi đi là vừa. Không có Messi thì Barcelona vẫn đá đẹp và tranh chấp các danh hiệu, chính xác như điều mà Pique vừa nói.
Chỗ thuyết phục ở đây là: không chỉ nói đúng, mà còn làm được, ít ra là ngay xuất phát điểm. Pique nói riêng, cũng như toàn đội nói chung, đã thắng thuyết phục ở vòng đấu khai mạc La Liga 2021/22.
Bóng đá là môn đồng đội. Và dù Messi có là cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử đi nữa, cũng chẳng bao giờ anh to hơn bất cứ đội bóng nào. Không bao giờ có chuyện một mình Messi quyết định chiến thắng (bóng đá chỉ có trường hợp ngược lại: một cá nhân làm cho toàn đội thất bại). Messi đá bóng quá hay, nhưng đã chắc gì ngôi sao Argentina am hiểu về bóng đá!
Cái cách Messi khóc lóc khi không được ký tiếp hợp đồng với Barcelona (vì quy định của La Liga dẫn tới điều này) trông rất giả dối, khác (và mâu thuẫn) với lúc anh nằng nặc đòi đi khỏi Barcelona, cách đây cũng chưa lâu. Khoan nói là Barcelona vẫn sẽ tranh chấp danh hiệu khi không còn Messi. Phải nói thêm: Barcelona nên rũ bỏ một Messi như thế. Nghe hơi kỳ dị, nhưng thực tế là như vậy, với một Messi đã 34 tuổi – quá già, theo lý thuyết về phong độ trong bóng đá đỉnh cao. Và dù đã 34 tuổi, Messi vẫn khó ra dáng một người đàn ông. Đã bao nhiêu lần người ta “ngó lơ” hành vi của ngôi sao này, chỉ vì anh đá bóng quá giỏi (Messi đã bao nhiêu lần tuyên bố chia tay đội tuyển Argentina, chỉ để sau đó cứ coi như mình chưa bao giờ nói thế?).
Khổ nỗi, thực tế không phải bao giờ cũng đi đôi với lý thuyết. Koeman hoặc Pique nói hay, nói đúng đến đâu đi nữa, mà lỡ Barcelona đá không ổn thỏa, thì “rách việc” ngay. Báo giới chỉ chực chờ cơ hội để nhảy vào “mổ xẻ”, phân tích hậu quả cho một Barcelona không có Messi. Áp lực lớn là điều khó tránh. Thành công lớn nhất từ trận thắng Real Sociedad 4-2 chính là ở chỗ này. Barcelona đã rũ bỏ thành công cả Lionel Messi lẫn mọi thứ áp lực liên quan, để từ nay sẽ tự làm chủ cuộc chơi của mình.
Thế mới là Barcelona vang danh và đáng tôn trọng qua bao thời kỳ. Chứ cái đội bóng đá diện cho thủ đô Paris kia thì… có ra gì, trong thế giới bóng đá đỉnh cao (PSG mà “ra gì”, thì đâu có mang nhục trong câu chuyện về Thomas Tuchel)!