Hồi hộp chờ phán quyết từ tòa án
Hồi tháng 4/2021, Barca, Real cùng 10 CLB hàng đầu châu Âu khác đã đề xuất ý tưởng tổ chức ESL là siêu giải đấu hoàn toàn tách biệt với các hệ thống do UEFA điều hành. Ngay lập tức, ESL bị xem là mối đe dọa với Champions League hay các giải VĐQG giàu sức hút nhất ở lục địa già.
Trước sự phản đối gay gắt từ người hâm mộ và nhiều phía, 6 đại diện nước Anh là Man City, MU, Arsenal, Chelsea, Tottenham và Liverpool cuối cùng đã quyết định rút lui thay vì tham dự ESL. Tiếp đó, đến lượt Atletico Madrid, Inter Milan và AC Milan cũng theo chân nhóm “big six”.
Đến đầu năm nay, đồng minh hiếm hoi còn trụ lại cùng Real và Barca là Juventus tiếp tục rời cuộc chơi. Sở dĩ Bà đầm già thành Turin làm như vậy là do họ không chịu nổi sức ép từ UEFA. Nếu vẫn sát cánh cùng 2 gã khổng lồ của bóng đá Tây Ban Nha, Juventus có nguy cơ không được dự cúp châu Âu mùa này.
Bất chấp việc liên minh muốn xây dựng ESL cứ dần teo tóp, Barca và Real vẫn nỗ lực chiến đấu tới cùng. Ở La Liga, cả 2 vẫn là đối thủ truyền kiếp, là đại kình địch mới gia tăng mối hiềm khích bởi vụ bê bối trọng tài “Caso Negreira”. Tuy nhiên, không vì thế mà Barca và Real để chuyện đó ảnh hưởng xấu tới ESL.
Khi bị gây khó dễ trong việc tổ chức ESL, Barca và Real đã nhờ tòa án tối cao châu Âu giúp mình đòi lại công bằng. Theo lịch trình, ngày 21/12 tới tòa sẽ phán quyết về chuyện UEFA có được “độc quyền” trong việc tổ chức và thương mại hóa các giải đấu bóng đá hàng đầu ở châu Âu hay không.
Sẵn sàng bật chế độ “lên đời”
Trong trường hợp Barca và Real thắng kiện, mỗi đội sẽ thu về tới 1 tỷ euro (tương đương 1,09 tỷ USD) nhờ có công gây dựng ESL. Lúc này, họ đang nhận được sự hậu thuẫn từ A22 Sports Management là tập đoàn sẵn sàng đầu tư 15 tỷ euro (tương đương 16,3 tỷ USD) để ESL hoạt động.
Đây thực sự là con số đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, A22 Sports Management vẫn không tiếc tiền tài trợ cho Barca, Real và các đội tham gia ESL bởi họ tin rằng khoản lợi nhuận thu về trong tương lai còn cao hơn nhiều so với chi phí ban đầu.
Đáng chú ý, hồi tháng 2 năm nay, giám đốc điều hành của A22 Sports Management là Bernd Reichart từng tiết lộ trên tờ Die Welt (Đức) rằng, một phiên bản mới của ESL đã thành hình. Theo ông Reichart, ESL thay vì chỉ dành cho 12 đội có thể mở rộng quy mô cho phép tới 80 CLB tham gia ở nhiều hạng đấu. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ thì người hâm mộ bóng đá có thể thưởng thức ESL từ mùa 2024/25.
Chưa biết rút cục tòa tối cao châu Âu rút cục đứng về bên nào, nhưng cả UEFA lẫn liên minh Barca – Real đều đang rất lạc quan về khả năng mình sẽ giành chiến thắng. Với riêng Barca, vị thế của đội bóng này chắc chắn sẽ thay đổi đáng kể nếu được bơm liều “doping” trị giá cả tỷ euro. Chỉ cần nhận được gói giải cứu khổng lồ, Barca không chỉ giải quyết sạch sẽ khó khăn về tài chính mà họ còn dư tiền để tăng cường lực lượng.
Chưa được “bơm tiền”, Barca đã tính mua thêm trung vệ
Trong lúc vẫn đang chờ phán quyết từ tòa án châu Âu về vụ tổ chức ESL, BLĐ Barca đã sớm lên kế hoạch mua thêm hậu vệ khi thị trường chuyển nhượng mùa Đông mở cửa. Theo tờ SPORT, mục tiêu mà họ đang nhắm tới là chốt chặn Radu Dragusin của Genoa. Cầu thủ 21 tuổi người Romania từng khoác áo Juventus được mệnh danh là “Araujo mới” này có phí giải phóng hợp đồng 30 triệu euro.