Thời điểm Pep đưa ra lời dự đoán, Barca vẫn đang là một cỗ máy chiến thắng. Trong 4 mùa gắn bó với chiến lược gia người Santpedor, họ đã sưu tập 14 trên tổng số 18 chiếc cúp có thể giành được, gồm 2 danh hiệu Champions League và 3 chức vô địch La Liga. Nhưng gần một thập kỷ sau, quả thực họ đã ngừng chiến thắng.
Lần gần nhất Barca vô địch Champions League đã là năm 2015. Chiếc cúp duy nhất họ có được ở hai mùa gần đây là danh hiệu khiêm tốn Cúp Nhà Vua. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn cả là đúng như lời tiên tri của Pep, những thất bại đang khiến đội bóng xứ Catalunya dần đánh mất “niềm tin vào lối chơi và triết lý của mình”.
Tiền vệ Sergi Samper, một cựu thành viên của lò La Masia giờ đang khoác áo Vissel Kobe, nhận xét: “Tôi nhớ Guardiola luôn nói rằng khi Barca chiến thắng, rất dễ để tiếp tục trung thành với lối chơi đã trở thành bản sắc của CLB. Nhưng khi đội bóng sa sút, đó là lúc chúng ta biết mình có thực sự tin tưởng vào nó hay không”. Và tuy không còn gắn bó với sân Camp Nou, Samper thừa nhận bản sắc ấy “đã mai một khá nhiều”.
Đó vốn là thứ ADN bóng đá được truyền lại từ thời Johan Cruyff. Đội bóng xứ Catalunya vẫn có truyền thống phát triển cầu thủ trẻ và coi trọng tài năng hơn thể chất. Nhưng phải đến giai đoạn Cruyff ngồi ghế HLV từ 1988 đến 1996, mối liên kết chặt chẽ giữa đội một với các đội trẻ của Barca mới thực sự được xác lập.
Trong kỷ nguyên Cruyff, tất cả các đội bóng của Barca đều bắt đầu chơi theo triết lý “Juego de posicion”, tạm dịch là “chơi bóng theo vị trí”, và sơ đồ 4-3-3 là bất khả xâm phạm. Các bài tập đá ma và khai thác khoảng không cũng được thống nhất ở mọi cấp độ. Nghĩa là ở Camp Nou, từ một cậu nhóc 8 tuổi mới gia nhập học viện bóng đá cho đến một nhà vô địch World Cup đều sẽ trải qua những bài tập giống nhau.
Để tăng sự kết nối, Barca còn đưa các thành viên đội hình chính xuống tập cùng đội trẻ hoặc ngược lại, đưa các cầu thủ trẻ lên tập với đội một. Nhờ vậy, tất cả các cầu thủ trưởng thành từ lò La Masia đều có thể hòa nhập cực nhanh khi được trao cơ hội. Đó là cách mà thứ “ADN bóng đá” của Barca được truyền lại qua từng thế hệ, từ thời Cruyff đến Louis van Gaal, Frank Rijkaard rồi đến Pep Guardiola.
Nhưng hiện giờ, nó đã dần mai một vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên là sau Guardiola và Tito Vilanova, các HLV sau này của Barca đã không còn đủ can đảm để đặt niềm tin tuyệt đối vào các cầu thủ do CLB tự đào tạo nữa. Kết quả là không ai trong số các thành viên của đội Barca B từng suýt vô địch Segunda mùa 2013/14 với những Samper, Sandro Ramirez, Sergi Gomez hay Jordi Masip trụ lại được đội một.
Chuyện tương tự cũng diễn ra với đội hình từng vô địch UEFA Youth League mùa 2013/14 với Munir El-Haddadi, Adama Traore, Antonio Sanabria và Andre Onana. Đội trẻ Barca từng vô địch UEFA Youth League mùa 2017/18 giờ cũng chỉ có ba người đang ở đội một là Riqui Puig, Inaki Pena và Oscar Mingueza. Còn những Juan Miranda, Carles Perez, Abel Ruiz, Mateu Morey và Monchu đều đã ra đi.
Nghịch lý là trong khi liên tục để mất các tài năng trẻ do mình tự đào tạo, Barca lại chi cả đống tiền để đưa về những cầu thủ có chất lượng trung bình hoặc kém. Và tất nhiên, sẽ rất khó để những Andre Gomes, Paco Alcacer, Aleix Vidal, Paulinho, Yerry Mina hay Douglas hiểu được thứ bóng đá của Barca. Vì như thừa nhận của Xavi Roca, người trưởng thành từ lò La Masia cùng thời với Jordi Cruyff và giờ đang làm GĐTT của AEK Larnaca (Đảo Síp), thì ông từng thấy nhiều cầu thủ dù rất giỏi nhưng cũng không thấm được triết lý “Juego de posision”.
Ngoài ra, còn có một nguyên nhân nữa nằm ở thượng tầng CLB. Theo phân tích từ Angel Iturriaga, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử của Barca, các chủ tịch Sandro Rosell và Josep Maria Bartomeu đều không muốn tiếp tục sử dụng mô hình của người tiền nhiệm Joan Laporta. Thay vào đó, họ muốn phát triển Barca theo hướng đội bóng của các siêu sao như Real Madrid.
Đây rõ ràng không phải là một mô hình bền vững. Vì đúng là Barca đã vô địch Champions League mùa 2014/15 với Neymar và Luis Suarez sát cánh cùng Lionel Messi. Nhưng khi những quả bom tấn tiếp theo như Ousmane Dembele, Philippe Coutinho và Antoine Griezmann thất bại, họ cũng trượt dài và còn lâm vào một cuộc khủng hoảng bản sắc. Mà nói một cách dễ hiểu, Barca giờ đã đánh mất linh hồn.
Barca chỉ cần những tân binh có thể tạo khác biệt
Đó là ý kiến của Sergi Samper, cựu thành viên của lò La Masia giờ đang là đồng đội của Andres Iniesta và Bojan Krkic tại Vissel Kobe. Tiền vệ này nhận xét trên tờ The Athletic: “Barca cần mua cả những cầu thủ bên ngoài, vì mục tiêu của họ là giành mọi danh hiệu có thể. Nhưng CLB chỉ nên mua những cầu thủ có thể tạo ra sự khác biệt”. Samper cũng cho rằng ngoài những ngôi sao thực sự, lò La Masia hoàn toàn có thể lấp vào những vị trí còn lại trong đội một.
8 – Suốt 8 năm kể từ 2011 đến 2019, chỉ có hai cầu thủ trưởng thành từ lò La Masia chiếm được vị trí trong đội hình của Barca là Sergi Roberto và Ansu Fati. Cũng trong 8 năm này, đội bóng xứ Catalunya đã chi ra tới 800 triệu euro để mua sắm cầu thủ.