Quan điểm của ông thế nào khi bản quyền truyền hình V.League kể từ năm 2023 có giá trị nhảy vọt, đột phá. Cụ thể ở đây là 2,5 triệu USD, tương đương với hơn 60 tỷ đồng/mùa?
Tôi được biết trong những năm gần đây, các CLB thường không nhận được khoản chia bản quyền truyền hình. Mỗi mùa, VPF có khoản hỗ trợ tài chính cho các CLB, nhưng là dựa trên việc đặt 40 biển quảng cáo của VPF trên sân. Dù vậy, trên lý thuyết, các đội cũng sẽ được hưởng quyền lợi từ việc các trận đấu có liên quan tới họ phát sóng trên truyền hình. Chúng ta cũng thấy những năm gần đây, 100% trận đấu tại V.League đều được truyền hình trực tiếp. Ở góc độ gián tiếp, các đội cũng khai thác quyền lợi về mặt quảng cáo thông qua sóng truyền hình.
Bản thân tôi khi còn làm giám đốc điều hành cho các đội đội bóng, trong giai đoạn đàm phán với nhà tài trợ, tôi cũng chia sẻ rõ vị trí các bảng biến quảng cáo sẽ được đặt ở những vị trí nào có thể dễ dàng nhận thấy ở những mức độ tương ứng trên sóng truyền hình, tương tự là logo in trên áo thi đấu của đội. Đó cũng có thể xem là một cơ hội với các đội bóng.
Trở lại câu chuyện từ mùa 2023, V.League sẽ có khoản tiền rất lớn xoay quanh bản quyền truyền hình. Tôi tin rằng điều đó sẽ tạo nên động lực tốt cho mọi mặt, từ CLB đến giải đấu. Chắc chắn, nhà đài khi họ đã đầu tư một số tiền lớn như vậy thì đổi lại, việc đòi hỏi về hình ảnh giải đấu cũng sẽ khắt khe, chuẩn chỉ hơn. Đấy chính là đòn bẩy để các bên, từ VPF, CLB và kể cả nhà đài cùng nhau làm tốt hơn, sao cho tương xứng với giá trị bản quyền giải đấu.
Theo ông, các CLB sẽ hưởng lợi thế nào khi từ V.League 2023, bản quyền truyền hình sẽ được quy đổi thành tiền mặt, thay vì một cách gián tiếp trên sóng truyền hình như những mùa giải trước đó?
Tôi chưa biết các CLB sẽ được chia một khoản tiền thế nào. Cứ lấy phép tính đơn giản là 60 tỷ sẽ được chia cho VPF cùng các CLB đi. Tôi ước chừng mỗi một đội sẽ có khoảng 1-2 tỷ/mùa. Thực ra nếu so với ngân sách trung bình mỗi năm của một đội bóng V.League khoảng 60-70 tỷ thì con số kia thật sự chưa lớn. Nhưng tôi lại nghĩ đến một ý tưởng mà chính VPF đã áp dụng ở mùa trước.
Cụ thể vào năm ngoái, thay vì chia sẻ 300-500 triệu đồng cho mỗi CLB tại V.League thì VPF thông qua sự nhất trí của đa số các đội bóng chuyên nghiệp đã sử dụng khoản tiền trên để mua sắm băng ghế khu kỹ thuật, cabin trọng tài. Sự đồng bộ hiện diện ở tất cả các sân, các đội bóng với chất lượng cao. Vậy nên quay trở lại con số 1-2 tỷ như giả định kể trên, nếu các đội bóng cũng nhất trí với VPF thì đây hoàn toàn có thể là một nguồn lực trong việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị mới hay cải thiện sân cỏ để đồng bộ hình ảnh giải đấu. Một đội bóng có thể phải bỏ ra chi phí lớn để đầu tư từng hạng mục đơn lẻ, nhưng nếu nhiều đội bóng cùng góp chung một đơn hàng lớn thì khoản tiền sẽ có thể đàm phán chiết khấu tốt, giúp việc phát triển cơ sở vật chất tiết kiệm đáng kể.
Tóm lại, nguồn thu từ bản quyền truyền hình sẽ là động lực để tất cả các đội ở V.League làm tốt hơn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi