Sau 3 trận hòa 1-1 liên tiếp trước các đối thủ đều bị xếp vào “kèo dưới” (Middlesbrough ở FA Cup và Burnley, Southampton ở Premier League), M.U của Ralf Rangnick bỗng thắng 2 trận liên tiếp, đều với tỷ số “coi được”. Họ thắng Brighton – đối thủ “khó chịu” hơn hẳn so với các đội trước đó. Thắng 2-0 trong hiệp 2, sau khi bị đối thủ áp đảo đến mức chính khán giả nhà phải giận dữ la ó trong hiệp đầu. Và thắng bằng bàn mở tỷ số đẹp mắt của Cristiano Ronaldo – cầu thủ vốn đang tự kéo dài “kỷ lục không ghi bàn”, ngay trong trận ấy.
Thế rồi, M.U lại thắng 4-2 trên sân Leeds, với bàn mở tỷ số đến từ tình huống bị cho là kém nhất trong mọi tình huống mà M.U có thể phô diễn: phạt góc. Suốt từ đầu mùa, với 139 lần được hưởng phạt góc trước đó, M.U đã không thể ghi bàn, trong cái tình huống căn bản mà đội này thậm chí còn có chuyên viên đặc trách riêng. M.U chính là đội cuối cùng ở Premier League ghi bàn từ tình huống phạt góc ở Premier League mùa này. Tổng quát hơn, M.U thắng nhờ sự tỏa sáng của Jadon Sancho – trước đó chính là một trong những bản hợp đồng “ăn hại” nhất mùa này, bằng 2 bàn thắng của các cầu thủ vào sân từ ghế dự bị, sau khi đối phương đã cân bằng 2-2.
Từ chi tiết cụ thể đến kết quả chung cuộc, khó mà liệt kê cho hết những điều khó đoán xoay quanh các trận đấu của M.U trong thời gian này. Thế còn Atletico Madrid?
Mới nhất, họ thắng đậm 3-0 trên sân Osasuna tại La Liga, sau khi thua 0-1 ngay tại sân nhà, trước đội chót bảng Levante. Trước nữa? Lạ lùng chẳng kém. Atletico thắng Getafe với tỷ số 4-3. Trong 3 trận liên tiếp ở La Liga (lần lượt gặp Valencia, Barcelona, Getafe), Atletico ghi 9 bàn và cũng thủng lưới đúng 9 bàn. Suốt chuỗi trận ấy, họ luôn ghi 2 bàn trở lên và cũng luôn thủng lưới 2 bàn trở lên. Tất cả đều là chi tiết điển hình nói lên một Atletico khác hoàn toàn so với đội bóng của Diego Simeone mà thế giới quen đến nhàm chán, suốt khoảng chục năm. Đấy luôn là một Atletico đặc trưng của các tỷ số 1-0, 0-0, 1-1. Đấy là Atletico thi đấu cứ như chỉ chờ cho trận đấu kết thúc. Họ phòng thủ đến mức lì lợm và cho đến khi nào chưa thủng lưới thì khả năng chiến thắng vẫn luôn còn nguyên. Atletico sẽ chớp một cơ hội nào đấy để ghi ngay bàn quyết định – chỉ một bàn là quá đủ.
Theo lẽ thường, Atletico – M.U ở giai đoạn knock-out Champions League vốn đã là một cặp đấu không dễ đoán trước kết quả, không dễ phân biệt đẳng cấp (chẳng lẽ lại bảo Atletico nhỉnh hơn). Từ mùa bóng 2013/14 đến nay, Atletico từng 2 lần vào đá chung kết, 1 lần vào bán kết Champions League. M.U thì chưa từng vượt qua ngưỡng cửa tứ kết trong cùng thời gian, dù họ đã vô địch và vào chung kết, bán kết Europa League. Bây giờ, lại càng khó đoán, bởi cả Atletico lẫn M.U đều không còn là chính mình. Họ không hay như người ta tưởng, cũng không dở như người ta nghĩ, thậm chí dù muốn cũng không có khả năng lặp lại cái hay hoặc cái dở của chính họ!