Với màn trình diễn ấn tượng ở đội tuyển Anh mới đây, HLV Mikel Arteta có thể đã tìm ra cách giúp Bukayo Saka bùng nổ trong màu áo Arsenal.
Bukayo Saka được đánh giá là cầu thủ tài năng bậc nhất mà lò đào tạo Hale End sản sinh ra trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Điểm mạnh của Saka là sự đa năng. Anh có màn ra mắt Ngoại hạng Anh vào năm 2019 khi mới 20 tuổi. Từ đó đến nay, Saka đã chơi ở các vị trí hậu vệ phải, hậu vệ trái, tiền vệ trung tâm, tiền vệ cánh phải, cánh trái và thậm chí là cả số 10.
Trong thời gian đó, Saka cùng Arsenal giành 1 chức vô địch Cúp FA và 1 Siêu cúp Anh. Cầu thủ người Anh cũng được đề cử cho giải thưởng Golden Boy. Gần nhất, Saka đã được bầu chọn là “Cầu thủ xuất sắc nhất” mùa giải 2020-2021 của Arsenal.
Tuy nhiên, HLV Mikel Arteta vẫn chưa thực sự giải được bài toán: Đâu là vị trí phù hợp và tốt nhất cho Saka. Chỉ khi tìm ra lời giải, Saka mới có thể phát huy những gì tốt nhất của mình và giúp Arsenal gặt hái được thành công.
HLV Arteta tìm ra cách “mở khóa” Saka
Có lẽ, nhìn vào cách Saka đang tỏa sáng tại đội tuyển Anh, HLV Arteta đã biết mình nên làm gì với cậu học trò.
Lần đầu tiên xuất hiện trong màu áo tuyển Anh vào cuối năm 2000, Saka thi đấu trong vai trò của một hậu vệ trái. Tới gần đây, ngôi sao của Arsenal thường được bố trí ở dọc hành lang cánh phải. Gareth Southgate là mẫu HLV thích chơi với các tiền vệ nghịch cánh, vì vậy, Saka thường thăng hoa hơn khi lên tuyển.
Vừa qua, tuyển Anh đã dễ dàng đánh bại Andorra với tỉ số 5-0, trong đó Saka đóng góp 1 bàn thắng. Đây là bàn thắng thứ 2 của Saka trong 2 lần ra sân gần nhất cho tuyển Anh, giúp anh trở thành cầu thủ trẻ nhất của Arsenal làm được điều này. Đáng chú ý, Saka tiếp tục được bố trí trấn giữ cánh phải.
Sau lưng Saka là một Phil Foden cực kì cơ động và sẵn sàng hỗ trợ cho anh khi cần. Thông thường, khi rê bóng tới 1/3 sân cuối cùng, Saka có xu hướng bó vào trong để thực hiện những quả tạt hoặc dứt điểm bằng chân trái.
Bàn thắng vào lưới Andorra lại là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp ăn ý giữa Foden và Saka. Foden tung ra đường chuyền cực kỳ chuẩn xác để Saka thoát xuống, đỡ bóng bằng chân trái và tung ra cú dứt điểm bằng chính chân này.
Saka thi đấu ấn tượng tại tuyển Anh
Song đó là câu chuyện tên tuyển. Còn ở cấp CLB, Saka khó làm được điều này. Nicolas Pepe bắt đầu mùa giải này ở vị trí tiền vệ cánh phải. Khi đó, Saka thường được đẩy sang trái. Kết quả là cầu thủ này gần như mất hút, đặc biệt là ở trận gặp Burnley.
Đó là trận đấu mà Granit Xhaka bị treo giò sau thẻ đỏ phải nhận ở trận thua Man City, HLV Arteta quyết định chuyển sang sơ đồ 4-3-3 với Thomas Partey là tiền vệ trụ duy nhất. Về cơ bản, đội hình này khong có quá nhiều xáo trộn, bởi Martin Odegaard vẫn thi đấu lùi sâu hơn để lấp vào khoảng trống của Xhaka. Khi đó, bóng cũng dễ dàng được luân chuyển từ hàng thủ tới hàng công hơn.
Tuy nhiên, trong hệ thống này, với việc có được nhiều cầu thủ tấn công hơn vào sân, HLV Arteta đã chọn Saka ở cánh trái, Pepe ở cánh phải. Sau trận đấu, chiến lược gia người Tây Ban Nha cũng phải lên tiếng bảo vệ học trò bởi Saka không thể hiện được nhiều khi đá ở vị trí này.
Saka bùng nổ khi đá ở cánh phải
Vấn đề không chỉ đơn giản là khi hoạt động ở cánh phải, Saka sẽ chơi tốt hơn mà còn phụ thuộc vào các vệ tinh xung quanh.
Nếu có nhiều cầu thủ ở sau lưng, tức có nhiều phương án chuyền bóng, Saka sẽ tỏ ra nguy hiểm hơn. Nếu để anh tự rê bóng rồi tạo ra đột biến thì Saka chưa đủ đẳng cấp để tạo ra các siêu phẩm. Albert Sambi Lokonga hay Martin Odegaard chính là chìa khóa để Arteta “mở khóa” Saka như Southgate đã làm với anh ở tuyển Anh.
Do đó, ở màn tiếp đón Crystal Palace trên sân nhà Emirates tại vòng 8 giải Ngoại hạng Anh sắp tới, HLV Arteta nên đưa Saka về lại với hành lang cánh sở trường. Khi đó, Saka sẽ thực sự bùng nổ. Còn nhớ, ở trận thắng tưng bừng 3-1 của Arsenal trước Tottenham, Saka đá bên cánh phải và có 1 bàn thắng lẫn 1 kiến tạo.