Một năm sau, Arsenal nhẹ nhàng đánh bại Brentford 3-0 và giữ chắc ngôi đầu bảng. Sắc sảo trên hàng công, vững chắc ở tuyến giữa, và một Arsenal trẻ trung lẫn lạnh lùng đang xuất hiện. Nhưng, thế là đủ?
Có một câu hỏi mà hậu thế yêu mến lịch sử vẫn luôn đặt ra mỗi khi nhắc về cuộc chiến giữa Hạng Vũ và Lưu Bang, đó là nếu như Hạng Vũ không chọn cách tự sát bên dòng Ô Giang, thì liệu lịch sử có thay đổi? Lịch sử sau này đã chứng minh, hành động tự sát của Hạng Vũ về cơ bản không phải là cách lựa chọn của một vị đế vương. Để hoàn thành bá nghiệp, phải biết chịu nhục và quan trọng là phải sống đã. Có sống thì mới làm nên sự nghiệp. Hạng Vũ lại chọn cách chết như một kẻ anh hùng kiếm hiệp, một anh hùng bản sắc. Đẹp, nhưng sai trong hành trình và dã tâm của người làm nghiệp lớn. Kết cục của Hạng Vũ và Lưu Bang vì thế thay đổi luôn cả lịch sử tranh quyền đoạt vị ở Phương Đông. Nơi mưu mô chiến thắng trước anh hùng bản sắc.
Zico từng nói về thất bại của Brazil tại World Cup 1982 như sau: “Nếu Brazil do Socrates làm thủ quân đoạt được chức vô địch World Cup 1982, có lẽ bây giờ bóng đá Brazil đã đi theo một con đường khác, đó là con đường của bóng đá nghệ thuật – nơi các nghệ sĩ sân cỏ tìm niềm vui qua trái bóng và những trận đấu đẹp”. Nhưng lịch sử đã chọn Italia của năm 1982 mới là người chiến thắng, để trái bóng cũng thay đổi theo hướng thực dụng hơn, nhiều chiêu trò hơn.
Vào những năm 2010, Arsene Wenger lúc ấy như một ông đồ già trong bài thơ của Vũ Đình Liên. Từ “Bao nhiêu người thuê viết/Tấm tắc ngợi khen tài” cho đến cảnh “Ông đồ vẫn ngồi đấy/Qua đường không ai hay”. Khi những Jose Mourinho và Pep Guardiola xuất hiện, ta thấy Wenger chẳng khác gì một anh hùng sa cơ trong thời thế này. Có thể nói, không khác gì Hạng Vũ ngây thơ trong thế giới đầy những Lưu Bang mưu mô. Nhưng Arsenal vẫn đẹp, rất đẹp với lối đá ban bật đã thành lẽ sống dù có bao nhiêu HLV sau thời Wenger chăng nữa. Có điều ngày đó, ta hay gặp cái gọi là “thua trong tư thế ngẩng cao đầu”, và những cầu thủ như Thierry Henry, như Robin van Persie thì đơn độc, xuất sắc và bất lực, cho đến khi phải trốn chạy.
Khi HLV Mikel Arteta biến Ethan Nwaneri trở thành cầu thủ dưới 16 tuổi đầu tiên ra sân ở giải đấu cao nhất xứ sương mù, người ta chợt nhớ ra tương lai thuộc về người trẻ là phong cách của Arsenal. 19 năm trước, Cesc Fabregas cũng là cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong lịch sử Arsenal. Khi ghi bàn đầu tiên của mình, Cesc mới 16 tuổi 212 ngày. Đến năm 21 tuổi, thì anh thành đội trưởng của Pháo thủ, dù với mái tóc chẳng khác gì … Khá Bảnh. Nhưng trẻ thì chẳng có gì cả? Anh vẫn đầy tài năng và thông minh chững chạc.
Tuy nhiên, trẻ thì cũng bất lợi lắm. Như câu chuyện về Lưu Bang – Hạng Vũ ở trên kia. Ta đừng quên, Lưu Bang hơn Hạng Vũ những 24 tuổi!