Vấn đề của Pierre-Emerick Aubameyang không chỉ là chuyện anh bị tước băng thủ quân, rồi gạt khỏi danh sách đội một, vì vô kỷ luật. Thăm mẹ bị ốm và trễ hẹn tập trung ở CLB luôn là câu chuyện mang chút màu sắc nhân văn, mà nếu cứ vin vào đấy để chỉ trích Aubameyang thì xem chừng là không phải phép. Điều quan trọng ở đây là: Arsenal mà không có Aubameyang thì cũng chẳng sao. Hay HLV Mikel Arteta chỉ mượn tình trạng vô kỷ luật để bỏ hẳn một Aubameyang đã “hết thời” từ khá lâu trước khi xảy ra chuyện trễ hẹn tập trung vừa qua?
Về mặt phong độ, Aubameyang mùa này dứt điểm không ít, nhưng tỷ lệ ghi bàn thì giảm hẳn so với chính anh cách đây 2 mùa. Thật ra, anh cũng không nhận được bóng nhiều như trước đây. Đấy là vấn đề lối chơi. Với Alexandre Lacazette đứng ở vị trí trung phong mà Aubameyang để lại nơi đội hình chính, thì dù bản thân Lacazette ghi bàn không nhiều, Arsenal lại có rất nhiều bàn thắng.
Thầy trò Arteta thắng 5/6 trận ở Premier League, ghi 20 bàn, từ khi bỏ Aubameyang. Ngay cả trong trận thua duy nhất (1-2 trước Man City), thì Arsenal cũng được HLV Pep Guardiola bên phía đối thủ thừa nhận là đội đá hay hơn. Khác biệt so với Aubameyang: Lacazette di chuyển tích cực hơn, đóng góp vào lối chơi đồng đội nhiều hơn (chủ yếu là lôi kéo hậu vệ đối phương). Emile Smith Rowe, Bukayo Saka, Gabriel Martinelli và Martin Odegaard đều tỏa sáng xung quanh Lacazette.
Có hai vấn đề cần bàn. Một mặt, Arsenal thật sự đã chơi hay hơn khi không có Aubameyang, với hàng loạt số liệu thống kê thuyết phục trong bảng so sánh. Nhưng mặt khác, Arsenal bỏ Aubameyang, chứ không phải bỏ vai trò Aubameyang trong hệ thống chiến thuật. Arteta vẫn cần có một trung phong đích thực trong sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1, dù trung phong ấy không nhất thiết phải luôn ghi bàn.
Lacazette và trung phong còn lại trong tay Arteta là Eddie Nketiah đều sẽ hết hợp đồng vào cuối mùa này. Cách đây không lâu, Arsenal khẳng định họ sẽ không bàn chuyện gia hạn với Lacazette trước khi mùa bóng kết thúc, nghĩa là chấp nhận khả năng Lacazette ra đi theo dạng cầu thủ tự do. Lão tướng này cũng đã 31 tuổi trong mùa hè sắp tới. Ở chiều hướng ngược lại, một Nketiah luôn nhàn nhạt ở tuổi 23 xem chừng là vẫn chưa thể vươn lên đẳng cấp cao. Đây là lý do khiến báo giới tha hồ kết nối Arsenal với mọi tiền đạo mà họ có thể nghĩ ra, trên thị trường chuyển nhượng.
Ngoài Nketiah, Arsenal còn có một cầu thủ trẻ khác có thể đá ở vị trí trung phong, là Folarin Balogun. Nhưng đẳng cấp của Balogun cũng chẳng đáng bàn. Như mọi người đã biết, Arteta đang có trong tay một lực lượng trẻ tuyệt vời, với cơ man những số liệu hấp dẫn liên quan đến đội tuổi U-23 hoặc U-21. Nhưng, ngôi sao trẻ đá cánh và di chuyển linh hoạt kiểu Saka hoặc Smith Rowe thì dễ. Đá được ở vị trí trung phong cắm lại khó hơn nhiều, bởi vị trí này đòi hỏi cả kinh nghiệm già dặn lẫn độ tinh tế của kỹ thuật để xử lý bóng trong các tình huống cực khó. Không phải ngẫu nhiên mà các trung phong đình đám nhất trong làng bóng đỉnh cao hiện thời, kiểu Karim Benzema hoặc Robert Lewandowski, thậm chí cả Cristiano Ronaldo, đều đang thuộc hàng lão tướng.
Vấn đề tổng quát về tương lai gần của Arsenal là như vậy. Điểm danh các tiền đạo trên thị trường chuyển nhượng là việc… thô thiển. Chọn mua ai, là cả một nghệ thuật, và là việc của Arsenal!
Làm ơn mua giùm!
Một mặt phải cố tìm mua một trung phong giỏi, nhưng mặt khác, Arsenal lại cố chào bán trung phong nổi tiếng mà họ đang sở hữu. Đấy dĩ nhiên là Pierre-Emerick Aubameyang, với mức lương 350.000 bảng/tuần. Arsenal đang “rao” đủ kiểu, nhưng dĩ nhiên sẽ rất khó bán vì chẳng ai lại chịu trả cho Aubameyang mức lương điên rồ kia (mà nếu không chỉ trả mức lương ấy, Aubameyang sẽ không chịu đi).
165 – Chuyện lạ trong đợt chuyển nhượng mùa Hè 2021: Arsenal không chỉ là đội mua sắm cầu thủ mạnh nhất châu Âu (165 triệu euro), mà họ còn rất thành công với những bản hợp đồng mới. Arsenal sẽ duyệt tiền mua thêm trung phong cho HLV Arteta, vì thành công ấy?