Bukayo Saka (20 tuổi) khởi đầu tình huống uy hiếp hàng thủ Newcastle bằng pha phối hợp đẹp với Emile Smith Rowe (21 tuổi). Trong lúc họ đang phối hợp nhuần nhuyễn thì Nuno Tavares (21 tuổi) xuất hiện. Anh nhận bóng từ Smith Rowe, rồi chuyền cho Saka dứt điểm thành bàn.
Người ta nói cầu thủ lớn là cầu thủ có khả năng xoay chuyển tình thế, quyết định toàn cục, trong một khoảnh khắc quan trọng. Trước tiên, Saka là một cầu thủ như vậy, khi anh mở được tỷ số trong hoàn cảnh mọi chuyện vẫn đang ở thế quân bình suốt gần một giờ thi đấu. Và sau bàn thắng của Saka thì mọi chuyện trở nên dễ dàng cho Arsenal, để rút cuộc thì họ khẳng định chiến thắng 2-0 trước một Newcastle đang hy vọng thay tướng đổi vận.
Một “cầu thủ lớn” mới 20 tuổi, ghi bàn sau khi phối hợp với 2 cầu thủ mới 21 tuổi! Vài phút sau đó, Saka rời sân, nhường chỗ cho Gabriel Martinelli, cũng chỉ mới 20 tuổi. Để rồi, chính Martinelli ghi bàn thứ 2, từ đường chuyền của hậu vệ Nhật Bản Takehiro Tomiyasu (23 tuổi).
Có đến phân nửa đội hình Arsenal tham gia vào hai pha bóng vừa nêu, và người “già” nhất trong số này chỉ mới 23 tuổi? Xin thưa: bấy nhiêu chỉ mới là vài mảnh ghép trong bức tranh tổng thể của cả một đội bóng trẻ. Đội hình chính của Arsenal vừa thắng Newcastle còn có thủ môn Aaron Ramsdale (23 tuổi); cặp trung vệ Gabriel – Ben White (23-24 tuổi); tiền vệ trung tâm Albert Lokonga và tiền vệ công Martin Odegaard (đều 22 tuổi).
Vì sao đấu trường bóng đá Olympics phải áp dụng độ tuổi U-23? Vì FIFA thà chết cũng không bao giờ nhường hoặc chia sẻ cái nguồn lợi hàng chục tỷ USD ở xuất phát điểm, có thể sẽ là hàng ngàn tỷ USD trong tương lai, cho bất cứ tổ chức nào khác. Bóng đá phải là độc quyền của FIFA. Thực chất của cái độ tuổi U-23 kia là ở chỗ, người ta hiểu ngầm: coi như đấy không còn là môn bóng đá tuyệt vời nữa. Vẫn là bóng đá, dĩ nhiên rồi. Vậy, U-23 là một loại hình bóng đá khác.
Giới “mọt sách” nhai đi nhai lại những con số vô nghĩa mà họ cứ tưởng là hay ho vì chi tiết cụ thể của nó. Chẳng hạn như tuổi trung bình của Arsenal là 24,1! Thậm chí cụ thể đến 2 chữ số lẽ: có lúc là 24,56 (vâng, khác biệt là tùy vào ngày tháng cụ thể của từng trận đấu, với đội hình khác nhau).
Một đội hình gồm toàn các cầu thủ 24-25 tuổi, trên lý thuyết, sẽ là đội hình rực rỡ về phong độ trong đời cầu thủ. Ở thái cực ngược lại, gần như nguyên đội hình Arsenal vừa thắng Newcastle là một đội U-23, tức thuộc về “loại hình bóng đá khác” mất rồi. Và đây mới là chỗ đáng khâm phục nhất của Arsenal này.
Tất nhiên, “những tay súng trẻ” chỉ thật sự đáng phục khi họ còn ở độ tuổi chưa đủ để chơi thứ bóng đá thực thụ trong mắt FIFA, nhưng lại thể hiện giá trị của những “cầu thủ lớn”. Lực lượng này dư sức tranh suất dự Champions League. Tài năng thì quá rõ rồi, nhưng kinh nghiệm và bản lĩnh của họ cũng chẳng kém gì các cầu thủ kỳ cựu.
Thật ra, họ chỉ đang thể hiện giá trị sẵn có của mình, chứ chẳng cần chứng tỏ điều gì, với ai. Arsenal là đội chi tiền nhiều nhất châu Âu trong mùa hè vừa qua – để mua Tavares, White, Lokonga, Odegaard, Ramsdale, Tomiyasu. Bây giờ là lúc khai thác, và sẽ còn khai thác nhiều năm nữa, lứa trẻ đầy ắp tài năng này.
“Top 4” là mục tiêu thực tế với Arsenal
Khả năng khai thác lợi thế sân nhà luôn là chi tiết quan trọng quyết định mức độ thành công của một đội mạnh. Nhìn chung, Arsenal hiện chỉ phải ngán Man City, Liverpool, Chelsea, nên mục tiêu lọt vào “top 4” đối với Arsenal chẳng phải quá khó. Khả năng thắng trên sân nhà càng hậu thuẫn cho Arsenal trong cuộc đua này. Từ khi Mikel Arteta cầm quân (tháng 12/2019), điểm số trên sân nhà của Arsenal (67) cũng chỉ thua đúng 3 đối thủ mạnh vừa nêu!
80% – Có đến 80% tổng số đường chuyền thành bàn của Arsenal tại Premier League mùa này được thực hiện bởi các cầu thủ từ 21 tuổi trở xuống. Ngoài ra, 60% tổng số bàn thắng của đội ở Premier League được ghi bởi các cầu thủ từ 23 tuổi trở xuống.