Trong phần lớn cuộc đời của mình, Arteta đã được so sánh với Pep Guardiola. Đầu tiên, khi còn là cầu thủ trẻ ở Barcelona, ông đã chơi ở cùng vị trí với người đồng hương của mình, và giờ đây là huấn luyện viên tại sân chơi cao nhất bóng đá Anh. Arteta đã quen với điều đó và chưa bao giờ cố gắng che giấu tầm ảnh hưởng của Guardiola với sự nghiệp của ông. Khi còn là cầu thủ trẻ, Arteta cũng từng nói Pep là thần tượng. Đến khi dấn thân vào nghiệp huấn luyện, Arteta đã học được rất nhiều điều trong thời gian làm trợ lý cho Guardiola tại Man City.
“Tôi sẽ không ngồi đây, với sự sẵn sàng và tình yêu dành cho công việc huấn luyện, nếu ông ấy không tin tưởng và trao cho tôi cơ hội”, Arteta nói về Guardiola cách đây ít hôm. Có một sự ngưỡng mộ rõ ràng từ Arteta dành cho người đồng nghiệp, song điều này không có nghĩa vị thuyền trưởng của Arsenal cố gắng bắt chước người bạn của mình. Có một sự khác biệt giữa việc học hỏi từ ai đó và cố gắng sao chép họ. Lý do quan trọng giúp Arteta thành công trong mùa giải này là ông đã đặt niềm tin và nguyên tắc của riêng mình vào những niềm tin và nguyên tắc được chia sẻ với Guardiola.
Không khó để coi Arteta là phiên bản trẻ hơn của Guardiola, hoặc chúng ta có thể gọi nhanh là “Pep 2.0”. Tuy nhiên, cả Arteta và Guardiola đều khăng khăng bác bỏ điều đó. “Chúng tôi thực sự khác biệt với tư cách là những con người và HLV. Đó là lý do tại sao chúng tôi hiểu nhau rất rõ và có mối quan hệ khăng khít. Tôi đã bị so sánh với ông ấy khi tôi còn là cầu thủ. Tôi không thể kiểm soát điều đó. Tôi chưa bao giờ thử sao chép bất kỳ thứ gì. CLB này xứng đáng được nhiều hơn thế, và nó sẽ không hoạt động theo cách đó”, Arteta chia sẻ trước trận gặp Man City tại vòng 4 FA Cup.
Tất nhiên, có nhiều điểm tương đồng giữa Arsenal của Arteta và Man City của Guardiola. Cả hai HLV đều được định hình bởi những kinh nghiệm của họ tại Barcelona, muốn đội bóng của mình chiếm ưu thế trong việc kiểm soát bóng, chi phối đối thủ bằng những đường chuyền nhanh và tấn công theo chiều rộng. Man City thường vận hành với một hậu vệ biên đá tiền vệ, và Arsenal hiện đang làm điều tương tự với Oleksandr Zinchenko. Hai đội đều chơi với hàng thủ dâng cao, tích cực pressing. Sơ đồ chiến thuật quen thuộc của Man City là 4-3-3, và Arsenal cũng vậy. Các nguyên tắc cơ bản nhìn chung là giống nhau, nhưng nhiều chi tiết khác nhau.
“Nếu bạn nói rằng Arsenal cũng chơi giống Man City, với hậu vệ cánh bó vào trong đá tiền vệ, như trường hợp của Zinchenko, thì đúng vậy. Họ chơi với những cầu thủ chạy cánh cao hơn so với những tiền vệ như chúng tôi. Nhưng tất cả phương pháp, quy trình, cá tính cầu thủ, tâm lý, bố cục, hàng nghìn triệu thứ, thuộc về họ chứ không phải của tôi. Những gì tôi đã thấy từ Arsenal hoàn toàn thuộc về Mikel và những người của ông ấy”, Pep nêu quan điểm. Trước đó, chính nhà cầm quân này cũng từng nói: “Ý tưởng thuộc về mọi người và tôi đã đánh cắp nhiều nhất có thể”.
Ngày càng rõ ràng về việc Arteta đang áp dụng cách tiếp cận tương tự. Dù vậy, thay vì đánh giá Arsenal là phiên bản thu nhỏ của Man City, tại sao chúng ta không coi họ như một cỗ máy hủy diệt mới như những gì Liverpool hùng mạnh từng làm cách đây vài năm. Mùa này, không có CLB nào ở Premier League ghi được nhiều bàn trong 30 phút đầu trận và 15 phút đầu hiệp 2 hơn Arsenal. Không chỉ vậy, Pháo thủ còn là đội duy nhất không bị thủng lưới trong 15 phút đầu trận ở Premier League. Arsenal cũng đã vô địch FA Cup 2020 không phải nhờ áp dụng hệ thống kiểm soát bóng kiểu Guardiola, mà nhờ lối đá phòng ngự thấp và phản công. Arsenal đã đánh bại Man City trên hành trình đó, dù chỉ cầm bóng 29% ở bán kết.
Arsenal ngày càng giống Man City về khả năng kiểm soát bóng và kiểm soát đối thủ, song sẽ là sai lầm nếu khẳng định Arteta chỉ đang cố sao chép từ Guardiola. Lý thuyết chung cùng phương pháp luận là có, và mỗi người đều có những hướng đi riêng của mình.