Nghe có vẻ hơi không được thuận tai lắm nhỉ? Man City mà còn ẩn số cái gì? Đây đã là mùa giải thứ tám của vị HLV người Tây Ban Nha ở sân Etihad, đủ lâu để không chỉ các cầu thủ Man City biết ông muốn gì, mà cả đối thủ cũng vậy.
Hỏi mười đứa trẻ biết xem bóng đá ở Anh, hết chín đứa sẽ trả lời được Man City của Guardiola là đội bóng kiểu gì. Có thể không quá chi tiết như một chuyên gia, nhưng tấn công và kiểm soát chắc chắn là những từ ngữ mà bọn trẻ sẽ nhắc tới.
Đó cũng là lý do mà nhiều trận đấu của Man City có xu hướng bị một màu hóa. Những đội bóng thiếu tiềm lực, ví dụ như Sheffield United trong đêm Chủ nhật vừa rồi, biết rằng lựa chọn hợp lý nhất với họ là lùi thật sâu, dựng lên nhiều lớp rào chắn trong và xung quanh vòng cấm, và… cầu nguyện. Ngay cả khi họ được thi đấu trên sân nhà.
“Không có khoảng trống,” trợ lý Juanma Lillo đã trả lời như vậy khi được hỏi về lý do Man City gặp nhiều khó khăn trong việc đưa bóng tới vòng cấm của Sheffield.
Từng có những thời điểm trong quá khứ, Man City khi đối diện với những đối thủ chơi theo kiểm đó sẽ sớm tỏ ra suốt rột, nóng vội đẩy quả bóng lên phía trước quá nhanh để rồi mất bóng và dính đòn “hồi mã thương” khi cả hệ thống phòng ngự từ xa còn chưa được thiết lập.
Nhưng Man City bây giờ hoàn toàn khác. Nếu 100 đường chuyền chưa đủ giúp họ khoan thủng được hệ thống phòng ngự của đối phương, họ sẵn sàng chuyền thêm 100 đường nữa. Tất cả xuất phát từ một niềm tin sắt đá, rằng không có hàng phòng ngự nào có thể đứng vững được mãi mãi, và rằng bàn thắng, sớm hay muộn, rồi sẽ tới.
Ở một chừng mực nào đó, Man City bây giờ chính là Erling Haaland. Tiền đạo người Na Uy có thể biến mất cả trận đấu, nhưng không bao giờ vì sốt ruột mà ngừng làm những việc anh vẫn làm – chạy chỗ, xin bóng, rồi lại chạy chỗ, và xin bóng. Nếu 10 lần như thế đồng đội vẫn không chuyền, anh sẽ làm lần thứ 11, rồi 12.
Haaland biết rằng sớm muộn gì thì anh cũng có cơ hội. Và đã có cơ hội thì sớm muộn gì anh cũng sẽ ghi bàn. Ngay cả khi đá hỏng penalty. Ngay cả khi ghi bàn mà không được công nhận. Haaland vẫn chạy. Vẫn xin bóng. Và rồi điều gì phải đến cũng đến.
Haaland có thể “chạy xe không” 100 lần mỗi trận mà không nản. Man City có thể chuyền 1000 đường mỗi trận mà không loạn. Nhưng điều đáng sợ của họ là trong cái sự một màu ấy lại ẩn chứa vô vàn biến số. Haaland có thể tấn công cột gần chín lần, để rồi ghi bàn bằng một lần di chuyển ra cột xa.
Man City có thể chuyền ngang 999 lần, để rồi xé toang hệ thống của đối thủ bằng một đường bấm bóng chéo sân. Bản thân sự có mặt của một tiền đạo “yếm bóng” như Haaland trong một đội bóng “ưa bóng” như Man City cũng đã là một yếu tố tạo nên sự khó lường.
Man City của Pep vẫn “đá như thế thôi”. Nhưng “như thế thôi” là như thế nào?