Vấn đề đã được chú ý hơn kể từ khi Everton bị LĐBĐ Anh trừ 10 điểm vì vi phạm các quy tắc của Công bằng tài chính. Điều này dẫn đến một làn sóng suy đoán về việc quyết định đó có thể tác động như thế nào đến bất kỳ lệnh trừng phạt nào sắp tới với Man City, nếu nhà ĐKVĐ Premier League cũng bị chứng minh phạm luật.
Đầu năm nay, Man City đã phải hứng chịu một loạt cáo buộc nghiêm trọng từ Premier League, bao gồm 115 cáo buộc khai man tài chính trong gần một thập kỷ. Đội chủ sân Etihad đã kịch liệt phủ nhận việc họ không tuân thủ các quy tắc cạnh tranh, và sẽ bảo vệ quan điểm của mình trước một tòa án độc lập.
Cuộc điều tra kéo dài của Premier League diễn ra sau một cuộc điều tra tương tự của UEFA với Man City. Cơ quan quản lý bóng đá châu Âu đã kết luận vào năm 2020 rằng, Man City vi phạm các quy tắc công bằng tài chính và đáng bị cấm tham dự Champions League trong 2 năm. Tòa án Trọng tài Thể thao Quốc tế (CAS) sau đó đã bác bỏ quyết định này, và kết luận “tội” duy nhất của Man City là không hợp tác với cuộc điều tra của UEFA, điều mà CLB này thừa nhận. Nhờ thế, Man City vẫn được góp mặt ở các giải đấu của châu Âu.
Hiện tại Premier League đang chịu sức ép lớn tới từ cuộc điều tra Man City và Chelsea vì những cáo buộc liên quan đến quy tắc của Công bằng tài chính. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào tiết lộ về thời điểm vụ việc sẽ chính thức được xét xử.
Trên Tạp chí Luật Thể thao Quốc tế, Tiến sĩ Gregory Ioannidis và Tiến sĩ Dan Plumley nhận xét: “Mặc dù các tác giả sẽ không đưa ra bất kỳ dự đoán nào về kết quả của vấn đề hiện tại, nhưng có một điều chắc chắn, đó là mối nguy hiểm đối với quyền tự chủ của thể thao. Dù kết quả của tranh chấp hiện tại ra sao, gần như chắc chắn rằng UEFA sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn nghiêm trọng từ các CLB thành viên của mình, thậm chí đến mức nổi loạn”.