Ngày 8/5/2013, Sir Alex Ferguson nói lời chia tay với Manchester United, khép lại triều đại huy hoàng kéo dài 27 năm của ông tại Nhà hát của những giấc mơ. 8 năm kể từ thời khắc đó, MU vẫn vật vã, loay hoay để tìm lại bóng dáng của một trong những câu lạc bộ lừng lẫy nhất châu Âu cũng như trên thế giới.
Sau 27 năm, Sir Alex Ferguson đã gặt hái rất nhiều thành công với Manchester United. 13 lần lên ngôi vô địch Premier League, 2 lần đăng quang Champions League, 5 chiếc cúp FA và rất nhiều danh hiệu đã được đem về phòng truyền thống của MU.
Tuy vậy, có một khía cạnh mà ông đã không thể thực hiện, đó là xây dựng nên một thế hệ tiếp nối trên băng ghế huấn luyện với những người học trò của mình.
Ferguson là một nhân vật có một không hai trong làng bóng đá, đó là điều không ai có thể phủ nhận. Trong những ngày tháng Sir Alex còn dẫn dắt MU, Quỷ đỏ là một thế lực thực sự khiến mọi đội bóng khác đều phải kính nể.
Điểm mạnh nhất làm nên thương hiệu của Alex Ferguson là khả năng quản lý con người và thúc đẩy tinh thần của các học trò. Không ai quên việc Ferguson đã cứng rắn đến thế nào mỗi khi các ngôi sao của mình có thái độ không đúng mực, thể hiện thái độ đòi hỏi với câu lạc bộ hay bị cám dỗ trước những lời mời gọi hấp dẫn từ các câu lạc bộ khác.
David Beckham, Jaap Stam, Roy Keane, Ruud van Nistelrooy là những tên tuổi lừng lẫy trong thời gian họ còn thi đấu, nhưng những cái tên này đều đã lãnh nhận hậu quả khi chọc vào “tổ kiến lửa” Ferguson. Ông không kiêng dè bất cứ ai, bởi tại Old Trafford, ông mới là quyền lực tối thượng và có tiếng nói quyết định trong tất cả mọi công việc.
Bên cạnh đó, năng lực của Alex Ferguson còn thể hiện qua những màn tâm lý chiến với các huấn luyện viên đối thủ và kể cả tác động tới các trọng tài. “Ngài mũi đỏ” thường không bao giờ bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội nào, dù là nhỏ nhất để giành lấy lợi thế cho MU. Kevin Keagan, Rafa Benitez, Arsene Wenger đều từng thất bại khi sa đà vào những cuộc đấu khẩu với cựu thuyền trưởng Manchester United.
Về mặt chiến thuật, Sir Alex không phải là người tôn thờ phong cách kiểm soát bóng, tấn công khắp mặt sân của Johan Cruyff, Pep Guardiola, ông cũng không chỉ đạo các học trò chơi ngày này qua năm khác thứ bóng đá phòng ngự kiểu Jose Mourinho, hay tấn công điên cuồng như Marcelo Bielsa.
Mỗi thời điểm, ông biến hoá Manchester United thành một hình hài khác nhau. Dù Arbedeen dưới thời Alex Ferguson trung thành với sơ đồ 4-4-2, và đó cũng là thời điểm sơ đồ này đang cực kỳ thịnh hành, nhưng khi đến với MU, ông đã quyết định để MU chơi với sơ đồ 4-4-1-1 dù bị các cổ động viên phản đối. Đó cũng là nền tảng để Quỷ đỏ giành cú ăn ba lịch sử năm 1999.
Nhưng ngay sau đó, khi MU thúc thủ trước Real Madrid ở trận chung kết Champions League năm 2009, Ferguson tạm biệt sơ đồ này và trở lại với 4-4-2.
Sau khi liên tiếp không thể tận dụng hết tiềm năng của những cầu thủ “số 10” cổ điển như Sebastian Veron, Ferguson liên tục thay đổi United, từ 4-2-3-1 cho đội hình không tiền đạo thực thụ, từ việc MU chuyển sang chơi phản công cho tới việc điều Alan Smith về chơi tiền vệ phòng ngự, Rooney dạt cánh hay Park Ji Sung trở thành tiền vệ trung tâm.
Với Sir Alex Ferguson, không gì là không thể và ông sẵn sàng làm một chú tắc kè hoa biến hoá theo những đổi thay của thời đại. Để cố định danh thứ gọi là chiến thuật của Ferguson, có lẽ chúng ta chỉ có thể sử dụng cụm từ “linh hoạt” mà thôi.
Cũng vì lẽ đó mà các hậu bối của Sir Alex bất lực trong việc cố trở thành một người như ông thầy của mình. Thế thời đã khác, họ không thể nào được câu lạc bộ giao toàn bộ quyền lực như Ferguson năm xưa. Ferguson của Manchester United, United cũng là của Ferguson, ông là một huấn luyện viên kiêm nhà quản lý, được quyết định mọi thứ liên quan đến sân cỏ cũng như hậu trường, các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng, ai đi hay ở đều phải được sự cho phép của Alex Ferguson.
Mark Hughes, Steve Bruce, Gordon Scharchan, Bryan Robson thì không được giao quyền lực lớn đến như vậy. Thế thời đổi thay, không còn câu lạc bộ nào cho phép các huấn luyện viên can thiệp vào hậu trường quá nhiều như thời Sir Alex nữa.
Đội bóng lớn duy nhất cố gắng duy trì khuôn mẫu kiểu như vậy là Arsenal với Arsene Wenger cuối cùng cũng phải từ bỏ. Giáo sư không thể đưa Pháo thủ vươn tới đỉnh cao thêm một lần nào nữa và đành ngậm ngùi nhường chỗ cho những cái tên trẻ trung hơn. Và đó cũng là hình mẫu huấn luyện viên – kiêm nhà quản lý cuối cùng trong bóng đá hiện đai.
Thời Ferguson, ông có thể phát ngôn “bạt mạng”, động tới bất cứ ai. Nhưng đó là khi ông đã đạt tới vị thế đáng kính nể trong thế giới bóng đá. Manchester United đã cho ông rất, rất nhiều thời gian để xây dựng đội hình, vượt qua thất bại trước khi đạt tới thành công.
Chính Sir Alex là người quyết định khi nào bản thân ông nghỉ ngơi, xa rời bóng đá. Bóng đá thời nay đâu cho phép ai làm điều đó, đặc biệt là những tân binh trong làng huấn luyện. Học trò cưng Garry Neuville của ông cố gắng áp đặt cá tính của mình khi lần đầu cầm quân tại Valencia và thất bại thảm hại, đến mức không bao giờ dám ngồi vào băng ghế chỉ đạo một lần nào nữa và an phận làm bình luận viên của Sky Sports.
Roy Keane – thủ lĩnh của bầy Quỷ đỏ năm nào vẫn “thét ra lửa” khi làm huấn luyện viên cho các đội bóng làng nhàng tại Anh, nhưng chẳng tạo nên dấu ấn nào đáng kể, và khi đã quá mệt để tiếp tục la hét, anh đành lên sóng truyền hình để ngồi bình luận bóng đá với hàng loạt các cựu cầu thủ Quỷ đỏ đã từng bất lực khi làm huấn luyện viên như Paul Scholes, Garry Neuville.
Về mặt chiến thuật, họ càng không thể học hỏi gì nhiều từ người cha già Alex Ferguson, bởi ông không phải là người phát minh ra một lối chơi nào hết. Suốt sự nghiệp huấn luyện, Alex Ferguson không ngừng giao lưu, học hỏi các huấn luyện viên khác, thực hiện những thay đổi ngay trước – hoặc trong khi trận đấu diễn ra.
Những việc kiểu như xếp 7 hậu vệ ra sân chính thức để đánh bại Arsenal, hay cắt cử Park Ji Sung theo kèm Pirlo suốt 90 phút là những miếng chiến thuật đâu dễ để ai đó có thể học theo.
Bộ truyện tranh Kingdom của Nhật Bản lấy bối cảnh năm 245 trước Công nguyên, với những cuộc chiến cam go căng thẳng giữa sáu quốc gia ở Trung hoa cổ đại. Trong bộ truyện này, các vị tướng quân được phân theo hai trường phái: chiến lược và bản năng.
Tướng chiến lược là người nằm lòng các chiến thuật, bài binh bố trận theo sách vở, không quá mạnh về ứng biến. Còn tướng bản năng là người không điều binh theo mớ lý thuyết cứng nhắc nào hết, chỉ cần “ngửi” thấy nơi nào trên chiến trường là “điểm nóng”, vị tướng đó sẽ ngay lập tức xộc thẳng vào điểm yếu chí tử và khiến đối phương không kịp trở tay.
Nếu áp điều này vào Alex Ferguson, có thể coi ông là một tướng “bản năng”, thường tung ra những con bài dị vào thời khắc khó lường nhất để giành được lợi thế. Và những mảng miếng kiểu như vậy, hoàn toàn không phải là thứ có thể dễ dàng truyền thụ, vẽ sơ đồ lên bảng hay làm bất cứ cách nào để các hậu bối có thể thấm nhuần.
Đó là thứ “bản năng” bẩm sinh Alex Ferguson đã có, và là thứ những người như Bryan Robson, Steve Bruce, Paul Ince…không có. Cái tầm của họ chỉ ở mức của một đội trưởng Bách nhân đội ( chỉ huy 100 quân) mà thôi chứ đâu thể trở thành một vị tướng quân thống lĩnh hàng vạn binh mã như Alex Ferguson.
Nói tóm lại, việc các học trò của Sir Alex gần như không một ai khiến ông nở mày nở mặt, chính là do bản thân Ferguson quá đặc biệt và gần như không thể mô phỏng theo, cũng như bối cảnh bóng đá thời kỳ Ferguson cực kỳ khác biệt so với thời đại bây giờ.
Trong số các học trò của Sir Alex ở MU làm huấn luyện viên, chỉ có Laurent Blanc là người có thể coi là thành công. Giúp Bordeaux đoạt 4 danh hiệu trước khi ghi dấu ấn trong ba năm làm việc tại PSG với 8 chiếc cúp, Blanc từng có thời điểm được đánh gía là một trong những chiến lược gia hàng đầu và được nhiều câu lạc bộ theo đuổi.
Ông là ngoại lệ hiếm hoi và chưa lần nào Blanc nói rằng ông học hỏi được điều gì từ phong cách huấn luyện của Sir Alex Ferguson. Blanc tạo được dấu ấn trên bản đồ bóng đá, nhưng đã không còn nằm trong top huấn luyện viên hàng đầu nữa, xa rời công việc huấn luyện 4 năm sau khi bị PSG sa thải năm 2016. Mãi đến gần đây, vào tháng 12/2020, Blanc mới làm việc trở lại khi nhận lời với câu lạc bộ Al-Rayyan ở Qatar.
Trong khi đó,Solskjaer đã thất bại tại MU, hoàn toàn trắng tay không giành được một danh hiệu nào, dù ông làm được vài điều tương tự như người thầy của mình, đó là quản lý tốt phòng thay đồ và thúc đẩy tâm lý các cầu thủ. Chỉ có Rooney là có thể đặt niềm tin một chút.
Cựu cầu thủ MU vẫn đang lèo lái tốt con thuyền Derby County ở Championship, dù câu lạc bộ này nhận án phạt bị trừ 21 điểm. Hiện nay mùa giải vẫn còn rất dài và Derby County đã thoát khỏi tình trạng âm điểm số. Biết đâu đấy, Wayne Rooney sẽ trở thành một huấn luyện viên thành công, dù chắc chắn sẽ chẳng giống Sir Alex Ferguson chút nào.