Khi các giám đốc điều hành của AC Milan đi làm vào buổi sáng, họ thường đi qua lối vào bảo tàng ở tầng trệt của Casa Milan, trụ sở của CLB ở quận Portello của Milan.
Phòng trưng bày cúp được bọc bằng những bức tường dốc theo phong cách của nhà thờ Pantheon, bày đầy những bức chiến quả trong quá khứ của Milan. Ở trung tâm trưng bày bản sao khổng lồ của Cúp Bạc Champions League, vinh quang mà Milan đã giành được 7 lần trong lịch sử của mình.
Nhâm nhi một tách cà phê espresso trong phòng họp ở tầng 4, giám đốc điều hành Ivan Gazidis bày tỏ tham vọng “giúp CLB tái sinh huy hoàng trên sân cỏ”. Ông gọi đó là “một cơ hội kỳ diệu” và đã dành 18 tháng qua để “tìm ra cách tái thiết một Milan mới. Cơ hội đó có tất những giá trị của Milan, mọi cảm xúc của Milan huyền thoại”.
Mùa giải này đánh dấu 10 năm kể từ lần cuối cùng Milan giành Scudetto. Họ đã vắng mặt ở Champions League, giải đấu mà họ đã từng là kẻ thống trị, kể từ năm 2014. Đó là mặt trận mà huyền thoại Paolo Maldini đã nâng cao Cúp Bạc trong 3 thập kỷ khác nhau với tư cách cầu thủ.
Biểu tượng Milan hiện nằm trong BĐH của CLB với tư cách là giám đốc kỹ thuật cùng với người đứng đầu hoạt động bóng đá Hendrik Almstadt, giám đốc thể thao Ricky Massara, giám đốc tuyển trạch Geoffrey Moncada, 33 tuổi, và sự hiện diện của quỹ đầu tư Elliott Management – chủ sở hữu của Milan.
“Các đội bóng đều có chu kỳ. Chúng tôi thật may mắn khi có chu kỳ thành công kéo dài 25 năm, đạt đến những đỉnh cao đáng kinh ngạc trong thời kỳ của cựu chủ tịch Silvio Berlusconi. Điều này cũng tương tự đối với Man United, Real Madrid. Tất cả những CLB lớn này tạo thành những siêu CLB, cùng nhau giành mọi thứ nhưng cũng đều trải qua khó khăn ở giai đoạn nào đó trong lịch sử”, Gazidis nói.
Sức mạnh của danh xưng AC Milan mãi trường tồn. Giá trị đó không biến mất mà thấm đẫm trong mối quan hệ của nhiều thế hệ. Nó hóa thân vào triều đại của gia tộc Maldini. Cesare Maldini là đội trưởng đầu tiên của Milan, và cũng là cầu thủ Italia đầu tiên có vinh dự nâng cao Cúp C1 châu Âu. Tiếp theo đến người con Paolo Maldini. Sự liên kết giữa Milan và gia tộc này thông qua vinh quang đó.
Soi về quá khứ, có lẽ không nhiều người nhớ đến những đợt hạn hán danh hiệu của Milan từ năm 1907 đến năm 1951 hoặc lần bị xuống hạng những năm 1980 khi Franco Baresi chấp nhận đá ở Serie B cùng đồng đôi. Và rồi, họ tự tin quay lại đỉnh cao thêm lần nữa.
Xuyên suốt lịch sử, Milan luôn tiếp tục vị thế hàng đầu của mình bằng phong cách chơi bóng sáng tạo. Đây luôn là một gương mặt tiên phong trong các trào lưu thay đổi của bóng đá. Từ lối đá Catenaccio của thời HLV Nereo Rocco đến phong cách pressing hay khái niệm phòng ngự khu vực của Arrigo Sacchi. Những ý tưởng nảy nở ở CLB này đã giúp bóng đá có một bước tiến dài, và biến đổi nó mãi mãi.
HLV đội một Stefano Pioli nhớ lại những ngày thi đấu của mình. “Đó là trận Milan – Verona. Đội chúng tôi đã đến làm khách của Milan với tâm thế cố giành được 1 điểm nhưng không thể ngờ rằng Verona không thể vượt quá nửa sân lấy một lần.
Đó là Milan của Sacchi. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi không biết họ sút vào cột dọc, xà ngang nhiều như thế nào. Họ chơi nhanh gấp đôi bất kỳ đội nào khác vào thời điểm đó với kỹ thuật tuyệt vời và cường độ cao. Đó là một sự đổi mới”.
MilanLab từng được coi là một ví dụ khác về vị trí tiên phong của CLB trong quá trình phát triển bóng đá và khoa học thể thao hàng đầu, kéo dài sự nghiệp thi đấu của những huyền thoại như Maldini, người vẫn ra sân ở tuổi 40. Mọi thứ giờ đã thay đổi, kể từ khi Maldini bước vào sự nghiệp cầu thủ và ông nhận thức rõ điều đó.
Hồi tưởng về chiếc cúp C1 châu Âu đầu tiên của mình vào năm 1989, ông nói: “Thời điểm đó, các CLB Anh bị cấm chuyển nhượng và nếu Milan muốn có cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, anh ta sẽ sẵn lòng đến. Bây giờ có sự cạnh tranh rất lớn từ các CLB ở Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha”.
Khi Milan chuẩn bị bước lên đỉnh vinh quang cuối cùng ở châu Âu sau thất bại trước Liverpool vào năm 2005, chính xác là sự phục thù ở Athens vào năm 2007, CLB xếp thứ năm trong BXH của Deloitte Money League. Họ chỉ kiếm ít hơn 53,5 triệu euro so với đội bóng kiếm tiền giỏi nhất là Real Madrid.
Bây giờ Milan đang đứng thứ 21 trong BXH đó. Họ chỉ kiếm nhiều hơn 6 triệu euro so với Leicester City, CLB xếp cuối BXH và khoảng cách giữa doanh thu của Milan và đội bóng giàu nhất hành tinh Barcelona là 634,5 triệu euro. Sự lọc lõi trong kinh doanh của Premier League và các hợp đồng truyền hình khổng lồ đã giúp các CLB Anh vượt xa Milan và các CLB ở Serie A.
Còn ở Đức, các CLB tại Bundesliga xây dựng lại cơ sở hạ tầng trước World Cup 2006 và một thế hệ vàng của các cầu thủ Tây Ban Nha, được thúc đẩy bởi Lionel Messi, Cristiano Ronaldo và HLV thiên tài Pep Guardiola, đã xuất hiện để mở ra trong một kỷ nguyên thống trị mới. Serie A bị tụt lại phía sau.
Để phục hưng Milan là một nhiệm vụ lớn lao. “Phải loại bỏ cảm xúc, bất kỳ ai nhìn vào Milan và bóng đá Ý đều có thể thấy vô số thách thức. Nhưng những gì tôi nhận thấy lại ẩn chứa nhiều cơ hội. Hãy tối đa hóa chúng và Milan sẽ tìm lại ánh hào quang trước đây. Tất cả cần có lộ trình bởi Milan không phải là Steve Jobs để phát minh ra sản phẩm mới”, Gazidis bộc bạch. Và dưới đây là lộ trình đó.
Khi Elliott Management Corporation mua lại Milan từ tay doanh nhân Trung Quốc Lý Dũng Hồng vào tháng 7 năm 2018, tình hình của CLB rất bấp bênh. Các ban lãnh đạo trước đây đã đốt cả tấn tiền vào chuyển nhượng trong những năm 2015 và 2017 mà không thể kiếm được vé dự Champions League xa xỉ.
“Tình hình tài chính hoang phí đến mức cuối cùng Milan phải chấp nhận lệnh cấm thi đấu ở châu Âu” Gazidis nói về việc Milan không thực hiện được yêu cầu cân bằng tài chính theo luật Công bằng tài chính (FFP) của UEFA.
Sau khi Elliott rót 50 triệu euro tài trợ khẩn cấp để ổn định bảng cân đối kế toán của CLB, nhóm điều hành mới đã bắt đầu làm việc để xoay chuyển tình thế. Theo Gazidis, CLB bị thâm hụt chủ tài chính chủ yếu bởi chuyển nhượng và bảng lương, trong khi hiệu suất thi đấu lại rất thấp.
Khi Elliott tiếp quản, hoá đơn lương tháng của Milan cao thứ nhì Serie A trong khi CLB chỉ xếp thứ Sáu trên BXH. “Đây là thách thức lớn đối với bóng đá. Chúng tôi cần phải hiệu quả hơn nữa trong cách sử dụng số tiền mình có và cần cải thiện hiệu suất thi đấu của đội bóng”, Gazidis nói thêm.
Cựu giám đốc điều hành của MLS và Arsenal đã thành lập một ủy ban kỹ thuật có vài điểm giống với ủy ban kỹ thuật của Liverpool. Maldini, Massara, Almstadt, Moncada đã được bổ nhiệm vào đó và quỹ Elliott cũng có một đại diện trong uỷ ban này.
Gazidis bắt đầu đưa tầm nhìn của mình vào khâu chỉ đạo kỹ thuật của CLB. “Chiến lược của chúng tôi trước hết phải dựa trên nền bóng đá tiên tiến. Đó phải là thứ bóng đá hiện đại. Mục đích cốt lõi là giành thế chủ động trong và ngoài sân cỏ. Tôi không muốn khâu chuyển nhượng bị dắt mũi bởi đám cò cầu thủ. Đây phải là chiến lược chủ động”.
Các quy trình đã được thực hiện để giảm thiểu rủi ro và giúp CLB tin tưởng hơn vào khâu chuyển nhượng. “Tôi muốn có sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ giữa các giám đốc và điều đó có nghĩa là phải có một hoạt động tuyển trạch đẳng cấp thế giới, đặc biệt tập trung vào các cầu thủ trẻ vì đó sẽ là trọng tâm của chiến lược. Nó đòi hỏi phải có bộ máy phân tích đạt đẳng cấp thế giới, thứ ngày càng trở nên quan trọng, thậm chí cực kỳ quan trọng”, Gazidis chia sẻ.
Milan đã sử dụng Moncada để lãnh đạo mạng lưới tuyển trạch viên toàn cầu. Khi còn nhỏ, nhân vật này là một fan cuồng nhiệt của Monaco thế hệ David Trezeguet, Christian Panucci, Marco Simone và một số ngôi sao Italia khác. Sau này, anh ta trở thành chuyên gia phân tích video cho HLV Claudio Ranieri ở Monaco.
“Ranieri hoàn toàn phát điên vì video. Mọi người đều nói về Marcelo Bielsa nhưng Claudio cũng là một gã điên nghiện phân tích video không kém. Ông ta muốn phân tích đối thủ, phân tích cầu thủ của đội khách, phân tích cầu thủ của chính Monaco”, Moncada nói về sếp cũ.
Monaco nhanh chóng trở lại Ligue 1 và vai trò của Moncada ngày càng lớn. “Tôi không có cuộc sống, phải làm việc cả tuần. Tôi đã chết trong cuộc sống riêng tư. Tôi đã có bạn gái nhưng không thể tìm được thời gian để tâm tình. Buổi sáng, tôi phân tích đối thủ, còn buổi chiều tôi đi trinh sát, đánh giá cầu thủ tiềm năng.
Đó không phải là cuộc sống tốt đẹp như mọi người nghĩ. Khi bạn tình của tôi đi ăn tối thì tôi đang ở Bỉ, Pháp hoặc Brazil. Thật điên rồ. Nhưng tôi phải ở đó để xem các trận đấu và kết nối mạng lưới”.
Thu thập thông tin tình báo cũng là một phần của công việc giống như đánh giá hiệu suất và đánh giá tiềm năng. Những người như Moncada không khác điệp viên 007 là bao. Nhiệm vụ của họ là phải tìm được những tài năng trẻ để phát triển, thay vì đổ tiền vào mua ngôi sao.
Khi Monaco thay đổi chiến lược, quay lưng với những siêu sao như Radamel Falcao và James Rodriguez, trọng tâm chuyển sang phát hiện tài năng trẻ như Bernardo Silva và Tiemoue Bakayoko. Nhờ đó, Monaco đã có đột phá mới và giành ngôi vô địch Pháp từ tay PSG và lọt vào bán kết Champions League 2017.
Khả năng đánh giá “phạm vi cải thiện” của một cầu thủ là điều mà Moncada yêu cầu ở các tuyển trạch viên. “Nếu một cầu thủ 20 tuổi có một trận đấu tệ hại, được 4/10 điểm xếp hạng, nhưng có tiềm năng lớn, với tôi điều đó lại quan trọng hơn. Chúng tôi tiếp tục theo dõi cầu thủ đó thêm một lần nữa, rồi lần nữa”.
Nhưng đó không phải là tất cả. Moncada giải thích: “Tôi không cần một tuyển trạch viên chỉ đi xem trận đấu. Tôi cần một người theo dõi quá trình đào tạo, nói chuyện với phụ huynh, giám đốc học viện.
Quá dễ dàng để đi xem một trận đấu rồi viết báo cáo. Chúng tôi có thể làm điều đó từ văn phòng. Chúng ta phải có thông tin – tình hình hợp đồng, gia đình như thế nào, những chi tiết nhỏ tạo nên sự khác biệt. Mối quan hệ giữa con người với nhau tạo nên sự khác biệt”.
Moncada và nhóm của mình theo dõi những cầu thủ từ U17 tuổi trở lên. “Trong khoảng thời gian hai năm, họ sẽ là cầu thủ dự bị hoặc cầu thủ của đội một. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã theo dõi họ vài năm. Tôi muốn biết câu chuyện đằng sau họ, lai lịch của họ”.
Các tuyển trạch viên cũ có xu hướng nghi ngờ, thậm chí căm ghét dữ liệu. Họ cười khẩy khi nghe đến các chỉ số như PPDA hay xG. Nhưng bộ phận phân tích của Milan, với một nhóm nhỏ gồm 20 nhà phân tích sáng giá, luôn sử dụng dữ liệu của StatsBomb. Họ hợp tác tối ưu với Moncada những vẫn làm việc độc lập để tránh những quan điểm thiên vị.
Cuối cùng, Moncada đã có một báo cáo toàn diện với tất cả thông tin và số liệu thống kê. Sau đó, anh ta báo cáo với Maldini và chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình với ủy ban kỹ thuật khi họ xem xét các mục tiêu tiềm năng.
“Tất cả những điều như tầm nhìn, chiến lược, triết lý đều phải rõ ràng và được hỗ trợ bởi các quy trình hiệu quả mang lại cho chúng tôi niềm tin vào các quyết định mà chúng tôi đưa ra, với Paolo Maldini là điểm tham chiếu cuối cùng”, Gazidis giải thích.
Đã 11 năm kể từ khi Maldini treo giày. Thay vì theo chân cha hoặc các đồng đội như Andrea Pirlo, Gattuso, Andriy Shevchenko và Alessandro Nesta trở thành HLV, huyền thoại 52 tuổi này muốn đóng vai trò tích cực như một giám đốc của CLB. Ông ít ngủ hơn, nghĩ về một đội bóng gồm 23 cầu thủ hơn là chỉ bản thân mình.
Nhưng với vai trò của Maldini, ông phải nghĩ về cả một CLB gồm 200 người. “Một giám đốc kỹ thuật có hai vai trò. Tôi làm việc tại văn phòng. Thị trường chuyển nhượng mở quanh năm. Tôi gặp gỡ đám người đại diện và những người có liên quan. Sau đó, tôi đi xem tập luyện. Và tôi phải giữ liên hệ chặt chẽ với các nhóm làm việc”.
Vị trí của Maldini là một công việc tốn nhiều công sức nhưng ông có niềm đam mê với CLB mà ông hâm mộ cả cuộc đời. Là một cầu thủ trọn đời chỉ thi đấu cho một CLB, cho nên khái niệm chuyển nhượng hầu như không xuất hiện trong tâm trí của Maldini.
Tuy nhiên, nhận thức của ông về thị trường chuyển nhượng đã thay đổi trong 2 năm làm giám đốc kỹ thuật của Milan. “Đó là một phần của bóng đá, một thành phần cơ bản và tôi bắt đầu thích nó. Những gì tôi đang cố gắng làm là tập hợp một nhóm lại với nhau để đạt được những mục tiêu nhất định. Nó rất thú vị”, Maldini chia sẻ.
Thời điểm tờ The Athletic nói chuyện với Maldini diễn ra vào buổi sáng mà Sandro Tonali chuyển đến Milan. Tiền vệ 20 tuổi này là một trong những tài năng sáng giá nhất Serie A và đã chuyển đến CLB mà anh hâm mộ từ bé. Vào buổi chiều, anh sẽ gặp Maldini trong phòng họp và ký vào một hợp đồng 5 năm.
Dựa vào chuyên môn tài chính của ủy ban chuyển nhượng, bản thân việc cấu trúc hợp đồng (phí mượn 10 triệu euro, tùy chọn mua 15 triệu euro, tiền thưởng 10 triệu euro) cho phép Milan có được Tonali với mức giá phù hợp trong một thị trường đầy thách thức bị chi phối bởi đại dịch COVID-19.
Vụ chuyển nhượng này mang tính biểu tượng của một Milan mới. Mùa Hè 2019, vụ mua Theo Hernandez từ Real Madrid trị giá 20 triệu euro cũng là chỉ dấu cho thấy họ đang vận hành như thế nào. Đích thân Maldini đã bay ra nước ngoài để chốt thương vụ.
Đó là một ngày mà Hernandez, 22 tuổi, có tiềm năng trở thành hậu vệ trái xuất sắc nhất thế giới, sẽ không bao giờ quên. Người tuyển dụng anh chính là cầu thủ vĩ đại nhất từng chơi ở vị trí này.
Đối với Gazidis, đây là một minh họa tuyệt vời về phương pháp tiếp cận hợp tác và tập thể mà ông mong muốn tạo ra khi trở thành giám đốc điều hành. “Để Paolo tiếp cận Theo sau khi đã phân tích, đánh giá rõ ràng về tiềm năng của cầu thủ bởi đội của Geoffrey Moncada cũng như đã nắm rõ các phân tích sắc sảo của một giám đốc thể thao hiểu rõ môi trường bóng đá Italia như Ricky Massara.
Một khi chúng tôi liên kết, một khi tất cả các yếu tố này phù hợp để bật đèn xanh, không còn ai thích hợp bằng Paolo Maldini để thuyết phục một cầu thủ đến Milan và phát triển sự nghiệp bóng đá của mình tại CLB vĩ đại này. Và đằng sau tất cả những điều đó, thương hiệu AC Milan vẫn có ý nghĩa trong bóng đá”.
Hernandez không bao giờ nghi ngờ gì về điều đó. Cầu thủ trẻ này đã không nghĩ nhiều về việc ký hợp đồng với Milan. Khi CLB này vô địch Champions League lần cuối, cậu ta mới chỉ 10 tuổi, nhưng đến nay, cái tên AC Milan vẫn như sấm nổ bên tai. “Với tôi, đó là CLB vô địch châu Âu nhiều thứ nhì. Đến ông nội tôi cũng sướng khi nghe tin tôi khoác áo đội bóng này”.
Tuy nhiên, việc chiêu mộ của Milan không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Khi quỹ Elliott nắm quyền điều hành CLB vào năm 2018, thị trường chuyển nhượng đóng cửa vào ngày 17 tháng 8, khiến ban điều hành mới có rất ít thời gian để tập hợp và chuẩn bị đội cho mùa giải sắp tới.
Gazidis đến vào tháng 12/2018, Leonardo sau đó rời bỏ vai trò giám đốc thể thao để trở lại PSG vào mùa Hè 2019. Massara đến từ Roma để thay thế Leo cùng với giám đốc bóng đá mới Zvonimir Boban. Nhưng Boban cũng không thành công và Milan đã chấm dứt hợp đồng với cựu công thần người Croatia vào tháng 3/2019.
Gazidis nói: “Loại thay đổi trong tư duy và phương pháp luận này không hề dễ dàng. Nhưng khi chúng tôi nhìn vào kết quả của điều này, chúng tôi bắt đầu thấy những gì tôi đã nói vào tháng 12/2018, rằng Milan hiện là một trong những đội bóng trẻ trung nhất Serie A với một số tài năng trẻ vẫn chưa phát triển hết.
Nhưng tôi nghĩ người hâm mộ Milan đủ thông minh để thấy rằng có một dự án bóng đá đang được xây dựng ở đây với một hướng đi rất rõ ràng. Đã có tin đồn về một cuộc đấu đá nội bộ, nhưng tôi không nghĩ thế. Chỉ có Milan. Milan ở trên tất cả mọi người.
Thành công của Milan là kết quả. Không có cuộc nội chiến nào về mục tiêu đó. Khi chúng tôi có bất đồng, chúng tôi đưa ra các kỹ năng khác nhau và các quan điểm khác nhau để vượt qua mọi loại thách thức. Chúng tôi đã gặp phải những thách thức về tài chính cũng như thành tích sân cỏ. Kết quả là gì? Kết quả thu được rất thú vị”.
Pioli và các cầu thủ đã ăn mừng Scudetto đầu tiên của Milan kể từ năm 2011, khoảnh khắc huy hoàng cuối cùng khởi đầu của một thời kỳ đen tối. Quay lại đây đã là một chặng đường dài, để ngâm nhau trong rượu sâm panh và hát: “Siamo noi, siamo noi, i Campioni dell’Italia, siamo noi.”
Rất ít người cho rằng Milan sẽ giành được danh hiệu mùa này. Quỹ đạo đi lên liên tục trong hai năm rưỡi qua không phải là một trường hợp đủ thuyết phục. Pioli thấy đó là một tình huống kỳ lạ. “Không ai nghĩ rằng chúng tôi có thể giành được Scudetto”, ông nhận xét.
Kỳ vọng chung hồi đầu mùa là Juventus sẽ vô địch Serie A khi có sự trở lại của HLV kỳ cựu Massimiliano Allegri, trong khi Inter mất Antonio Conte và những ngôi sao như Romelu Lukaku và Achraf Hakimi và Christian Eriksen. Nhưng những dự đoán đó đã trật lất.
Juventus đã bị Cristiano Ronaldo bỏ rơi và nằm trong nhóm xuống hạng vào giữa tháng 9/2021. Napoli đã không thua cho đến cuối tháng 11 năm ngoái khi hốc mắt và xương gò má của Victor Osimhen bị vỡ. Inter từ chỗ dẫn trước Milan 7 điểm đã đổ vỡ sau thất bại ở Derby della Madonnina.
Nói tóm lại, Serie A đã trở nên điên rồ trong mùa giải này. Điều đáng ghi nhận của Milan là họ không bao giờ đánh mất sự tỉnh táo ngay cả trong nghịch cảnh như khi đội hình bị đánh giá không đủ sức chinh phục giải đấu.
Thủ môn Mike Maignan, người thay thế Donnarumma, đã mất một tháng để hồi phục sau ca phẫu thuật cổ tay. Ibrahimovic hầu như không thi đấu, bắt đầu lần cuối cùng cách đây 4 tháng, trong khi Simon Kjaer cũng ngồi ngoài từ tháng Giêng. Ngay cả Fikayo Tomori cũng đã phải chịu dao kéo để sửa chữa sụn chêm ở đầu gối trái.
Tất cả có thể đã tan vỡ trong mùa Đông năm ngoái, đặc biệt là khi Franck Kessie hết hợp đồng. Milan đã không làm gì trong kỳ chuyển nhượng tháng Giêng ngoài việc mua lại tiền đạo tuổi teen Marko Lazetic từ Red Star Belgrade. Lazetic lấp đầy lỗ hổng được mở ra bởi Pietro Pellegri rời đi nhưng anh đã được ký hợp đồng cho tương lai chứ không phải ở đây và bây giờ.
Milan đã muốn có Olivier Giroud trong nhiều năm. Nhà vô địch World Cup kỳ cựu đã đến với giá 0 đồng và về lý thuyết, sẽ chia bớt gánh nặng ghi bàn với Ibrahimovic. Sau khi ghi một cú đúp trong trận ra mắt trên sân nhà trước Cagliari, chấn thương ở lưng đã hạn chế thời gian thi đấu của Giroud.
Nhưng Giroud đã hóa giải xuất sắc lời nguyền về chiếc áo số 9 đã đeo bám Milan kể từ khi Pippo Inzaghi giải nghệ. Hết lần này đến lần khác, anh đã có những bàn thắng quyết định những trận đấu lớn nhất trong mùa giải. Cú đúp vào lưới Inter và bàn thắng ở Napoli là biểu tượng cho sự vượt trội của Milan giữa nhóm cạnh tranh. Họ đã thắng 6, hoà 3 và thua 1 khi đối đầu với nhóm Big Six.
Bất chấp tuổi tác của Giroud (35) và Ibrahimovic (40), Milan vẫn có đội bóng trẻ nhất Serie A mùa này. Ít ai biết đến Pierre Kalulu trước khi Milan ký hợp đồng. Đây là một hậu vệ đa năng, có thể là Thuram mới và đã làm rất tốt công việc khi Kjaer vắng mặt.
Milan còn có một Sandro Tonali mới 22 tuổi, cầu thủ được coi là tương lai của bóng đá Ý. Nhưng tiền vệ xuất sắc nhất của Milan phải là Ismael Bennacer khi ở phong độ và thể trạng tốt nhất. Đây là năm Rafael Leao cuối cùng đã bắt đầu phát huy hết tiềm năng to lớn của mình.
Ibrahimovic từng nhận xét rằng cầu thủ chạy cánh này là người duy nhất mà anh không thể vượt qua ở Milanello. Chỉ có Kylian Mbappe, Adama Traore và Allan Saint-Maximin là đã thực hiện nhiều pha rê bóng thành công hơn Leao tính ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Trên hàng công cũng là một gương mặt trẻ trung là Theo Hernandez.
Đội hình này đã đánh bại Atalanta cuối tuần trước đầy cảm xúc bởi chỉ hai năm rưỡi trước, Milan đã thua 5-0 tại Bergamo. Đó là thất bại tồi tệ nhất của họ kể từ năm 1998. HLV Pioli tin chắc rằng “Milan này được sinh ra từ 5-0 đó. Từ đó chúng tôi biết mình cần phải làm gì”.
Sau trận đấu tại Bentegodi tuần trước, Ibrahimovic đã tập hợp các đồng đội xung quanh mình và có bài phát biểu: “Ở Milan, họ chỉ nhớ những cầu thủ đã giành Scudetto và Champions League. Nếu chúng ta muốn được nhớ đến, chúng ta hãy cố gắng hết sức mình”.
Và Milan đã vô địch sau 11 năm chờ đợi, trở thành chủ nhân thứ ba của Scudetto trong thế kỷ này, và là vô địch thứ ba trong 3 mùa giải khác nhau gần nhất. AC Milan này sẽ được nhớ đến!