Những lời chia tay tiếc nuối
Trong 2 ngày liền đầu tháng 3, 2 thông tin liên quan đến giới tài phiệt được người Việt Nam quan tâm. Ngày 2/3, ông chủ Hoà Phát – Trần Đình Long vào nhóm 1.000 tỷ phú giàu nhất thế giới. Ngày 3/3, Roman Abramovich muốn bán Chelsea với giá 3 tỷ bảng, sau 19 năm dồn tâm huyết với The Blues.
“Tôi sẽ không yêu cầu hoàn trả bất kỳ khoản vay (khoảng 1,5 tỷ bảng) nào. Đội bóng này chưa bao giờ là vấn đề kinh doanh hay tiền bạc đối với tôi, mà là niềm đam mê thuần túy dành cho bóng đá và CLB” … “Tôi hy vọng rằng tôi sẽ có thể đến thăm Stamford Bridge lần cuối để nói lời tạm biệt với tất cả các bạn. Trở thành một phần của Chelsea FC là đặc ân trong cuộc đời”, những câu nói có thể xem là đắt nhất trong một toàn văn thông báo khá dài – như cách mà Abramovich cứ lần lượt sa thải HLV ở Chelsea để tìm kiếm một thứ bóng đá đẹp và danh hiệu tại CLB này vậy.
Có thể nói, những người giàu có và đến với bóng đá vì niềm đam mê như Abramovich (với Chelsea) hay ông Trần Đình Long (từng là ông chủ của CLB Hoà Phát Hà Nội) không hiếm. Họ không hẳn đã xem bóng đá là nguồn lợi nhuận để phình to túi tiền của mình. Đơn giản câu chuyện nghiêng nhiều hơn ở góc độ yêu và muốn được gắn bó với môn thể thao này. Nhưng để những tỷ phú này có thể đồng hành một chặng đường rất dài với CLB mà mình đặt tình yêu lại không phải là chuyện dễ dàng.
Khác với Abramovich gắn bó Chelsea 19 năm, tỷ phú Trần Đình Long – sau 7 năm đầu tư 40 tỷ đồng cho Hoà Phát Hà Nội đã quyết định giải thể CLB, chuyển giao toàn bộ cho Hà Nội ACB của bầu Kiên. Tất nhiên, lý do chia tay bóng đá của bầu Long cũng khác so với nguồn cơn mà Abramovich rao bán Chelsea hiện tại. Trong đó, những mâu thuẫn khó tháo gỡ giữa CLB và BTC giải ở thời điểm đó đã khiến tỷ phú Long quyết định rời cuộc chơi. “Có rất nhiều nguyên nhân nhưng giờ không phải là lúc lục lọi hay bới móc. Rất buồn bởi Hòa Phát đã có 8 năm làm bóng đá, rất nhiều tình cảm, kỷ niệm. Nhưng giờ chúng tôi quyết định nghỉ vì không còn thấy phù hợp nữa. Nói thế cho ngắn gọn. Chúng tôi hoàn toàn thanh thản, cảm thấy nhẹ nhàng khi đưa ra quyết định này”. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Chủ tịch CLB Hòa Phát Hà Nội nói, vào ngày 8/9/2011 như vậy.
Lịch sử V.League từng chứng kiến nhiều tỷ phú đổ tiền vào bóng đá. Nhưng để tính ra những ông bầu đủ lực và đủ tâm huyết với các CLB Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài sự tiếc nuối với tỷ phú Long, người hâm mộ Quảng Ninh nói riêng và V.League nói chung chắc chắn vẫn còn buồn bã khi ông Phạm Thanh Hùng không còn gắn bó với Than Quảng Ninh nữa. Từ một đội bóng được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp ở những năm 2014, 2015, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến biểu tượng của bóng đá đất Mỏ biến mất. Việc nợ lương, thưởng của các cầu thủ dẫn đến việc Công ty TNHH MTV bóng đá Quảng Ninh phải thông báo tạm dừng hoạt động năm nay cần phải hiểu ở một góc độ sâu hơn.
Bởi vốn dĩ, các CLB chuyên nghiệp ở V.League vẫn chủ yếu “sống” từ những nguồn thu: Tài trợ, ngân sách của tỉnh, ông bầu. Với Than Quảng Ninh, khi nguồn tài trợ và ngân sách của tỉnh giảm đi trông thấy do ảnh hưởng của dịch bệnh, ông Phạm Thanh Hùng không thể cứ gồng mình gánh hàng chục tỷ đồng để giữ được đội bóng. Dần dà theo thời gian, quỹ nợ lót tay và lương cầu thủ càng phình to. Để rồi ở thời điểm hiện tại, Than Quảng Ninh không còn hiện diện ở V.League. Một “Abramovich” từng vô cùng tâm huyết với bóng đá đất Mỏ cũng không còn trên bản đồ những ông bầu Việt Nam.
Sự hiện diện theo năm tháng của bầu Hiển, bầu Đức
Vậy là cho đến hiện tại, dù có phản ứng tích cực hay tiêu cực thế nào đi nữa, bầu Hiển và bầu Đức vẫn là những người đủ bản lĩnh và gai góc để gắn bó với các CLB Việt Nam là Hà Nội FC, HAGL cho đến hiện tại. Với bầu Đức, đây là năm thứ 20, ông dốc tâm huyết cho HAGL. Từ những bản hợp đồng bom tấn như Kiatisak, Dusit, Thonglao, Lee Nguyễn cho đến những sản phẩm “gà nòi” Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Minh Vương… theo dòng lịch sử, bầu Đức đã nếm đủ đắng, cay, ngọt, bùi với đội bóng phố Núi. Quan trọng là sau 2 thập kỷ với ngần ấy những cung bậc cảm xúc, bầu Đức vẫn “nuôi” HAGL bằng tâm huyết của mình.
Tương tự với bầu Đức, bầu Hiển cũng đã gắn bó với Hà Nội FC hay trước đó là cái tên Hà Nội T&T từ năm 2006 cho đến hiện tại. Ngoài câu chuyện tiền bạc, nếu không có tình yêu, niềm đam mê và thậm chí là cả sự kiên nhẫn, bầu Hiển cũng chẳng thể gắn bó với bóng đá Việt Nam trong thời gian lâu đến như vậy. Cũng như HAGL và bầu Đức, bầu Hiển cũng từng tạo nên “bom tấn” như Gonzalo, Hoàng Vũ Samson, Thành Lương, Công Vinh trước khi có trái ngọt là các cầu thủ trẻ tài năng gồm Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Đức Huy, Hùng Dũng… Song song với danh hiệu vô địch quốc gia cùng các CLB này, giá trị mà những ông bầu này tạo ra là nguồn tài nguyên cho các ĐTQG Việt Nam, bên cạnh những lò đào tạo khác trên phạm vi cả nước.
Thật sự, tương lai những ông bầu này gắn bó với các đội bóng sẽ thế nào. Nhưng nhìn về quá khứ và hiện tại, họ thật sự đã tạo nên một giá trị nội lực đủ lớn cho các CLB kể trên. Quả thực, song song với mục tiêu tự lực và tự cường, bóng đá Việt Nam cũng rất cần sự hiện diện của những ông bầu đầy nhiệt huyết khác.