Giới chủ Qatar không bao giờ che giấu tham vọng biến PSG thành một thương hiệu toàn cầu, không chỉ về lĩnh vực bóng đá. Và mục tiêu ấy đã đạt được sau khi GĐTT Leonardo cùng các cộng sự nhanh tay ký được “hợp đồng thế kỷ” với siêu sao Lionel Messi vào tháng 8/2021. Dù chỉ lọt vào vòng 1/8 của Champions League, dừng chân sớm ở Cúp QG, thất bại trước Lille ở Siêu Cúp Pháp và chỉ có duy nhất chức vô địch Ligue 1, nhưng PSG lại có được doanh thu cao ngất ngưởng. Dự tính đến ngày 30/6/2022, doanh thu mùa này của đội bóng thành Paris sẽ đạt con số 700 triệu euro.
Có được doanh thu như vậy, đầu tiên phải nhờ đến sự hiện diện của các nhà tài trợ. Trong mùa 2021/22, PSG đã đón thêm 11 đối tác. Đó là những cái tên đình đám như Gorillas, Crypto.com, Autohero, GOAT, Smart Good Things, Infinity Sports Water, Dior, Geekvape, PlayBetR, Volt hay Big Cola. Nếu tính thêm cả các bộ môn bóng ném, thể thao điện tử và bóng đá nữ, thì con số các nhà tài trợ mới lên đến con số 14. Trong số này, có nhiều nhà tài trợ địa phương, trong nước và quốc tế. Thương hiệu gần nhất mà PSG đồng ý hợp tác chính là GOAT, mang về cho họ gần 50 triệu euro/3 mùa. Autohero, Gorillas và Crypto.com, mỗi thương hiệu cũng đầu tư từ 3-10 triệu euro/năm.
Thậm chí Crypto.com còn đàm phán hợp tác với PSG ngay khi mới có những tin đồn về việc Messi tới sân Parc des Princes! Và khi Leo chính thức hạ cánh xuống sân Công viên các Hoàng tử, thì khoản tiền Crypto.com đầu tư cho đội bóng thủ đô tăng hơn gấp đôi khoản tiền ban đầu! Tổng cộng doanh thu từ các nhà tài trợ tăng 13% ở mùa này và vượt quá con số 300 triệu euro (khoảng 310 triệu euro). Đây là một kỷ lục từ trước cho tới nay của đội bóng. Cột mốc cũ là 295 triệu euro ở mùa 2018/19.
Thứ hai, đó là hiệu ứng khủng trong bán áo và bán vé. Chủ nhân của 7 Quả bóng Vàng đã tạo nên cơn sốt chưa từng có trong lịch sử PSG về lượng áo đấu và vé. Chỉ trong giai đoạn lượt đi, PSG đã thu về 41 triệu euro từ lĩnh vực này. Việc thất bại trước Real khiến hiệu ứng giảm sút đáng kể nhưng vẫn ghi nhận thành công ngoài mong đợi: tăng 40% so với mùa trước. Và dự tính đến hết mùa giải, PSG có thể bỏ túi gần 60 triệu euro, đồng nghĩa với việc san bằng hoặc thậm chí vượt qua kỷ lục ở mùa 2018/19. Cụ thể, PSG đã bán hơn 1 triệu áo đấu, trong đó có tới 60% mang tên siêu sao người Argentina. Điều này biến họ thành một trong hai đội bóng (cùng với M.U) bán được nhiều áo đấu nhất trên thế giới ở mùa này.
Cùng với đó, những thu nhập của những “ngày thi đấu” cũng tăng lên đáng kể. Ở hai mùa trước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đội gần như không có thu nhập nào khi trận đấu diễn ra (cờ, khăn, tất, đồ lưu niệm, nhà hàng, quán ăn…). Nhưng mùa này, tổng doanh thu của lĩnh vực này đã tăng hơn 42% so với mùa trước, đạt 132 triệu euro (so với 93 triệu euro của 2 mùa trước đó). Nên nhớ, kỷ lục cũ là cột mốc 115 triệu euro ở mùa 2018/19.
Và cuối cùng là bản quyền truyền hình. Do bị loại quá sớm ở Champions League nên PSG chỉ đạt dưới 200 triệu euro từ bản quyền truyền hình của giải đấu này và các giải đấu quốc nội. Con số này thấp hơn một chút so với mùa trước (202 triệu euro).
Marc Armstrong đánh giá cao hình ảnh của Messi
Theo giám đốc marketing Marc Armstrong thì sự kiện Messi tới sân Công viên các Hoàng tử thực sự là một cú hích về tài chính cho PSG. “Việc Lionel đến PSG đã thu hút đặc biệt các nhà tài trợ, giúp thương hiệu của chúng tôi tăng nhanh giá trị. Thậm chí, nhu cầu về gói vé cả mùa cũng chưa bao giờ tăng mạnh đến thế. Sân Công viên các Hoàng tử cũng trở thành điểm tham quan đặc biệt của khách du lịch trong nước và quốc tế”, ông Armstrong chia sẻ.