“Cuối cùng thì sau 64 năm, Tottenham cũng ghi tên mình vào trận chung kết Champions League. Tôi cũng có một cảm giác gì đó rất xa vời. Tôi khó có thể hình dung một người Hàn Quốc đang đứng trên sân khấu trận chung kết UEFA Champions League. Bây giờ thì cơ hội đó đã đến với tôi. Thật không thể nào tin được”.
Đó là những tâm sự khiêm tốn của Son Heung-min trong cuốn hồi ký bóng đá của anh mang tên “Đường đến châu Âu”. Bảo là khiêm tốn bởi lẽ con đường vào chung kết sau 64 năm của Tottenham thật sư là in đậm dấu giày của chàng trai Hàn Quốc đó, đặc biệt là trận tứ kết khó khăn với Manchester City. Nói không ngoa là với 3 bàn sau 2 lượt trận đi-về, chính Son là người đã loại Manchester City chứ chẳng phải nhờ VAR. Cảm giác của Son cũng là cảm giác của tất cả người châu Á chúng ta khi nhìn về anh, hay là bản thân anh ở đấu trường châu Âu lúc này. Tất cả đều có một cái gì đó rất xa vời. Nền bóng đá châu Á đứng sau châu Âu và Nam Mỹ không đơn thuần chỉ là vì thể hình, thể lực hay kỹ chiến thuật, mà còn vì lịch sử. Khoảng cách mênh mông giữa hai nền bóng đá chính là vì khoảng cách của lịch sử. Bạn cứ nghĩ mà xem, FA Cup là giải đấu lâu đời nhất thế giới, lần đầu tiên được tổ chức là vào năm 1871. Ở thời điểm đó, Việt Nam còn được trị vì dưới thời vua Tự Đức.
Tottenham, CLB của Son Heung-min, thành lập năm 1882, lúc này bán đảo Triều Tiên vẫn chưa chia đôi, Triều Tiên Vương triều vẫn bận bịu với chiến trận. Tất cả làm gì có khái niệm bóng đá, sân vận động. Chính vì lịch sử mà mọi nỗ lực thu hẹp khoảng cách của người châu Á ở châu Âu trở thành một nghĩa vụ. Tất cả cầu thủ giỏi ở châu Á đều xuất ngoại, dù cái họ đối mặt là ghế dự bị, là rào cản ngôn ngữ, là mức lương thấp, là cách biệt văn hóa. Gánh trên vai kỳ vọng dân tộc, các cầu thủ đến từ Nhật, Hàn, Trung, và cả Việt Nam đều phải lao lên mà khẳng định mình. Rồi cũng vì lịch sử, trong lòng người châu Á luôn tồn tại một suy nghĩ yếm thế, luôn mênh mông vô định giữa trời Âu. Như cái cảm giác của Son Heung-min kể trong tự truyện.
Son Heung-min, người đang sở hữu 19 bàn thắng, đứng thứ hai sau Mohamed Salah, tại Premier League mùa này. Nhưng là cầu thủ duy nhất trong Top 5 tay săn bàn hàng đầu không có một quả penalty nào. Son không oán trách chuyện này. Dù là tiền đạo thuận 2 chân, nhưng anh thậm chí còn là cầu thủ… không được phép ích kỷ. Anh ham mê chuyền bóng, và cái cảm giác này cũng đến từ lịch sử. Một lịch sử mà các cầu thủ châu Á chỉ chuyên làm nền chứ chưa bao giờ bước được lên “kép chính”. Nhưng giờ hãy nhìn lại, ở Tottenham bây giờ có ai hay hơn Son? Ở Tottenham có ai đột biến hơn Son Heung-min?
Tottenham đã hết cơ hội cạnh tranh danh hiệu, nhưng Son xứng đáng có danh hiệu. Hãy cho chàng trai châu Á ấy được một lần ích kỷ.