Nhật Bản đã hai lần xâm lược Triều Tiên thời phong kiến, biến Triều Tiên thành thuộc địa ở thế kỷ 20. Sang đến thời kỳ phát triển kinh tế, hai quốc gia này lại cạnh tranh nhau trên thương trường. Nhật Bản có các tập đoàn lớn Mitsubishi, Toshiba, Sony, Toyota…, Hàn Quốc có LG, Samsung, Huyndai… Họ còn đua tranh trên mọi lĩnh vực từ văn hóa nghệ thuật, đến thể thao, và đương nhiên bóng đá cũng không thoát khỏi vòng xoáy đó. Trong cuộc chiến này, Hàn Quốc đi trước Nhật Bản ở bình diện bóng đá.
Đến tận thời điểm này, Hàn Quốc đã 11 lần dự World Cup, trong đó có 10 lần liên tiếp, so với Nhật Bản là 6 lần. Hàn Quốc, Nhật Bản cũng luôn giới thiệu đến thế giới các cầu thủ bóng đá hàng đầu châu lục, tiên phong cho việc “đem chuông đi đánh xứ người” như Yasuhiko Okudera – cầu thủ châu Á đầu tiên được thi đấu ở Bundesliga, Cha Bum-kun, chủ nhân của 2 chức vô địch UEFA Cup với Eintracht Frankfurt và Bayer Leverkusen. Cạnh tranh và song hành, giới thiệu các biểu tượng luôn đi cùng với Nhật Bản – Hàn Quốc. Đã có lúc Nhật Bản vươn lên với Nakata, sau đó Hàn Quốc đáp trả bằng Park Ji-sung. Tuy nhiên từ cổ chí kim, không ai chạm đến đẳng cấp, vị trí và vai trò như Son Heung-min đang làm được. Son Heung-min là quốc bảo của bóng đá Hàn Quốc.
Sự so sánh sẽ càng rõ ràng hơn trong cuộc đối đầu giữa Liverpool và Tottenham đêm nay. Takumi Minamino sẽ ngồi im trên ghế dự bị, nhìn bên kia khoảng sân là Son Heung-min. Thực ra vai trò của Minamino cũng như Park Ji-sung, Nakata… trong quá khứ. Những người châu Á dù được đề cao thì cũng chỉ là cầu thủ bậc trung trong đội, đóng vai trò dự bị, siêu dự bị hoặc đá chính với nhiệm vụ cày cuốc. Nhưng so với Son Heung-min thì khác, đấy là cả một khoảng trời. Khi Son là siêu sao kỳ vọng được tỏa sáng, con cưng không thể đụng tới, người tạo nên những bàn thắng đẹp và là hy vọng của đội bóng thuộc nhóm “Big Six” của giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh Premier League.
Vâng, chúng ta không nói đến vị trí, mà nói đến vai trò trong đội. Chúng ta không bàn về danh hiệu tập thể, mà bàn về ảnh hưởng cá nhân. Và quan trọng nhất, chúng ta không nói đến hạn chế, mà nói đến sự ưu việt. Son Heung-min có tất cả từ tốc độ, kỹ thuật, khả năng dứt điểm, đến thể lực, thể hình, và sự bén nhạy. Tức là tất cả những cái hạn chế của người châu Á ở sân chơi châu Âu đều bị Son lấp đầy. Những gì Son làm được là “vô tiền khoáng hậu” của một người châu Á ở sân chơi châu Âu. Kể cả bậc tiền bối Cha Bum-kun với 121 bàn thắng ở châu Âu thế kỷ trước cũng không thể so bì.
Liverpool gặp Tottenham, Minamino gặp Son Heung-min, và trên bầu trời chỉ có một Son Heung-min.