Sau trận thua trước Arsenal ngay tại Stamford Bridge, HLV Thomas Tuchel làm ngỡ ngàng người hâm mộ với phát biểu trong buổi họp báo: “Nói rằng mặt sân rất khó chơi nghe như một lời ngụy biện, nhưng thực tế là mặt sân rất, rất khó chơi. Rất khó cho chúng tôi”.
Tuchel chỉ trích mặt sân nhà trong nỗ lực bảo vệ cho sai lầm chuyền về của Andreas Christensen dẫn tới bàn thắng của Eddie Nketiah: “Quả bóng bật lên rất kì quặc ngay phía trước Andreas lúc anh ấy định chuyền về”.
Lý do đó có thể dùng cho cả Edouard Mendy khi anh mắc sai lầm sơ đẳng trong bàn thắng của Karim Benzema ở trận tứ kết lượt đi Champions League cũng tại Stamford Bridge.
“Chúng tôi mắc lỗi tương tự trước Real và phải trả giá bằng tấm vé vào vòng sau Champions League. Tôi không thể nhớ được lần gần nhất chúng tôi bị mắc 2 lỗi như thế”, Tuchel thất vọng.
Phải đổ lỗi cho mặt cỏ… sân nhà, Tuchel dường như phải tuyệt vọng lắm rồi?!
Tuchel liên tục nói ra rất nhiều nguyên nhân, dù thực tế đơn giản chỉ là họ không thể cứ thắng mãi trên sân nhà, đặc biệt với hàng thủ chắp vá như trước Arsenal. Bộ ba trung vệ là Christensen, Malang Sarr và Reece James. Thử hỏi ai trong số này có phong độ cao trong thời gian qua?
Ngay đầu hiệp 2, Thiago Silva phải vào sân thay Christensen. Trở thành cầu thủ già nhất (không tính thủ môn) thi đấu ở Premier League khi 37 tuổi và 210 ngày chỉ là chuyện vui với Silva, chứ chẳng hề tích cực với Chelsea.
Tiếp đó, cặp wing-back của họ là Cesar Azpilicueta và Marcos Alonso, vốn không phải là ưu tiên số 1, lại càng cho thấy sự thua thiệt về mặt tốc độ với các “máy chạy” bên đối thủ cùng thành phố.
Ở hàng tiền vệ, là Ruben Loftus-Cheek đá bên cạnh Kante. Với những ai theo sát Chelsea, họ thừa biết Kante từ lâu đã không còn là chính mình, dù đôi khi vẫn có những màn thể hiện xuất thần. Loftus-Cheek thì mới có 10 trận đá chính ở Ngoại hạng Anh mùa này, trông đợi gì hơn ở một cầu thủ vốn như “người thừa” ở Tây London?
Trong bối cảnh Kovacic chấn thương còn Jorginho thì không đủ thể lực, Chelsea chẳng khác nào “chấp” Arsenal cả tuyến giữa.
Romelu Lukaku trong lần xuất phát hiếm hoi cũng bị thay ra sau 60 phút, và nhận những tiếng la ó từ khắp khán đài Matthew Harding.
Sau tiếng còi chung cuộc, đội trưởng Azpilicueta thậm chí ra sát đường biên để cãi tay đôi với một khán giả nhà, để rồi sau đó bỏ đi khi đối phương cố gắng giải thích rằng có sự hiểu lầm ở đây.
“Tôi không liên quan, nhưng tôi nhìn thấy sự việc”, Tuchel nói về màn “trao đổi” của Azpilicueta. “Thú thực, tôi hiểu cảm xúc của người hâm mộ lúc này”.
Đương nhiên, phải có sự thất vọng khi đội bóng không thể vô địch nước Anh năm thứ 6 liên tiếp, và trở thành cựu vương ở Champions League. Nhưng vào đến chung kết FA Cup và trước đó là Cúp Liên đoàn đâu có tệ với một CLB vừa rung chuyển vì phải đổi chủ và chịu sự cấm vận của chính phủ?
Nếu nói Chelsea đang khủng hoảng, vậy thì những chuyện ở Man United phải gọi là gì? Tận thế chăng!? Rõ ràng, Chelsea nên tự hào vì vẫn tạo ra sự kỳ vọng cao ở cả cầu thủ lẫn người hâm mộ trong một mùa giải có quá nhiều biến động như thế này.
Thế hệ vàng, hay thứ tương tự mà người ta hay gọi, của Chelsea đã đi đến giới hạn. Một mùa hè chuyển nhượng sôi động đang tới gần, và nếu Chelsea vẫn có thể tận dụng cơ hội cuối để vô địch FA Cup, thì đó phải được coi là thành công.