Dữ liệu lớn, ước mơ cũng lớn
Một đại kế hoạch để đưa bóng đá Đức trở lại với vị thế của nhà vô địch đã hoàn thành chặng đầu tiên. Sau chưa đầy 3 năm khởi công xây dựng, bắt đầu từ tháng 5/2019, Học viện bóng đá DFB-Akademie tại thành phố công nghiệp Frankfurt sắp sửa đi vào hoạt động. Người Đức đã ấp ủ rất nhiều, có cả những hy vọng và lo âu ở học viện đào tạo trẻ này và sẽ khánh thành vào ngày 1/5 tới.
Theo tờ Bild, ngân sách ban đầu của dự án được hạch toán vào khoảng 89 triệu euro. Thế nhưng đến khi hoàn thành, người Đức đã phải chi ra tới 150 triệu euro, trở thành một trong những học viện bóng đá có vốn đầu tư lớn nhất lịch sử bóng đá thế giới.
DFB-Akademie có tổng diện tích lên đến 55.000 mét vuông, với toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại bậc nhất hiện nay. Nơi đây từng được Giám đốc ĐT Đức, Olivier Bierhoff mô tả là “Dự án thế kỷ”, và rằng nơi đây là “Thung lũng Silicon của bóng đá”. Chỉ riêng việc người Đức chọn Frankfurt, điểm trao đổi thông tin Internet lớn nhất thế giới làm địa điểm xây dựng đã là minh chứng cho thấy hướng đi của học viện này.
Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, “Big data” (Dữ liệu lớn) ngày càng trở nên phổ biến. Với một quốc gia tiên tiến và luôn đi đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bao gồm cả lĩnh vực thể thao như Đức, dữ liệu lớn đang trở thành hướng đi của thể thao mà bóng đá là một thành tố quan trọng.
DFB-Akademie bao gồm 4 tòa nhà với 33 phòng làm việc, 4 sân bóng đá ngoài trời cỡ 105 x 68m, 1 hội trường lớn và là nơi làm việc của ít nhất 600 người. Các khu phức hợp thể thao như sân vận động, phòng thay đồ, phòng thể dục, cơ sở điều trị đa chấn thương và phòng thí nghiệm công nghệ đảm bảo rằng bóng đá Đức sẽ có nơi ươm mầm tốt nhất cho công tác đào tạo bóng đá trẻ.
LĐBĐ Đức tin rằng DFB-Akademie sẽ có được những thống kê, những số liệu cụ thể về những vấn đề lớn, nhỏ xung quanh bóng đá mà các đội tuyển, các CLB, các HLV cũng như các cầu thủ không có tài nguyên để nghiên cứu, qua đó có được những giải pháp phù hợp.
Ươm mầm nhà vô địch tương lai
Người Đức mất tới 10 năm để lên kế hoạch cho DFB-Akademie và gần 3 năm xây dựng. Đương nhiên, đó là một kỳ công. Còn nhớ tại World Cup 2006, NHM toàn cầu sửng sốt trước lối chơi giàu nhiệt huyết, trẻ trung, sáng tạo và đầy say mê của ĐTQG Đức dưới thời HLV Juergen Klinsmann. Đó chính là khởi nguồn cho chức vô địch thế giới lần thứ tư trên đất Brazil năm 2014, một giải đấu mà người Đức tỏ ra vượt trội và cho thấy họ xứng đáng hơn tất thảy.
Trong những năm gần đây, bóng đá Đức không thu về những kết quả khả quan. VCK World Cup 2018, thất bại 0-2 trước ĐT Hàn Quốc ở lượt trận cuối cùng khiến Mannschaft phải dừng chân ngay từ vòng bảng, một nỗi ô nhục với đội bóng khi đó còn là đương kim vô địch thế giới.
Tại EURO 2020 diễn ra vào giữa năm ngoái, đội bóng của HLV Joachim Loew cũng không thể đi xa hơn vòng 1/8 sau thất bại 0-2 hoàn toàn thuyết phục dưới tay ĐT Anh. Ngay cả một giải đấu mang tính giao hữu như UEFA Nations League cũng trở nên quá tầm với người Đức khi họ rơi xuống hạng B, sau 2 năm liên tiếp thất bại ở hạng A.
Thực tế trên buộc những người đứng đầu bóng đá Đức phải tiến hành cuộc cách mạng. Sau EURO 2020, HLV Joachim Loew rời vị trí mà ông đã làm việc kể từ sau World Cup 2006, nhường chỗ cho Hansi Flick. Nhưng thậm chí chủ tịch LĐBĐ Đức Fritz Keller còn từ chức trước thềm giải đấu.
Một cuộc cách mạng đang thành hình với nền bóng đá Đức. Mục tiêu của họ không gì khác ngoài chức vô địch thế giới thứ năm và lần thứ tư bước lên đỉnh cao của bóng đá châu Âu. Có thể DFB-Akademie không tác động nhiều đến thành tích của ĐT Đức ở VCK World Cup 2022 cuối năm nay, nhưng một ngày nào đó người Đức sẽ phải ngợi ca DFB-Akademie, nơi khởi nguồn của một đế chế mới.
Chiến lược của vị giám đốc học viện 38 tuổi
Tobias Haupt được bổ nhiệm là giám đốc học viện bóng đá DFB-Akademie. Người đàn ông 38 tuổi này ưu tiên các cựu tuyển thủ Đức về cống hiến cho học viện. “Chúng tôi muốn có nhiều cựu chuyên gia hơn với tư cách là huấn luyện viên”, Haupt nói. Một trong số những người đã chấp nhận về cộng tác với học viện bóng đá DFB-Akademie là Sandro Wagner, cựu tiền đạo Bayern.
1. Có một thống kê khiến lãnh đạo LĐBĐ Đức giật mình. Tại VCK EURO 2000, thành phần ĐT Đức chỉ có đúng 1 cầu thủ dưới 23 tuổi là Sebastian Deisler. Kể từ đó, LĐBĐ Đức đã đẩy mạnh cuộc cách mạng trẻ hóa đội ngũ.