Chiến thắng 4-1 trước chính HLV cũ Graham Potter càng khẳng định Brighton đang đi đúng hướng, và họ có thể là một trong những đại diện đầu tiên mở ra thời đại bóng đá mới, nơi các công việc trong bóng đá giống như các công việc ngoài đời thường, cơ hội phát triển luôn được chia đều cho cả chủ đầu tư và người làm công.
Chỉ trong vòng 2 tháng, Brighton sẽ mất 8 nhân vật chủ chốt vào tay Chelsea nếu người đứng đầu bộ phận tuyển dụng của họ, Paul Winstanley đồng ý chuyển đến Stamford Bridge. Một chuỗi sự kiện kể từ cuối tháng 8 đã đưa Graham Potter và các trợ lý của ông đến Chelsea. Trước đó, hậu vệ cánh số 1 của đội bóng này – Cucurella đã sớm gia nhập The Blues.
Ở hướng ngược lại, Brighton chỉ có thể lấy những người không quan trọng tại Stamford Brigde, bao gồm việc mượn hậu vệ của U21 Anh Levi Colwill và mua đứt Billy Gilmour. Tuy nhiên, họ không may mảy tức giận hay oán hận Chelsea. Có đôi chút thất vọng trong hành lang quyền lực tại sân Amex, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó.
Ban lãnh đạo Brighton tự tin vào mô hình bóng đá của họ, với người dẫn đầu là chủ tịch Tony Bloom. Trong mô hình này, Brighton đề cao sự sòng phẳng, với các nhân viên của họ cũng như với các CLB khác. Brighton sẵn sàng để cho những con người ưu tú nhất trong bộ máy thăng tiến đến các CLB có tầm vóc lớn hơn, nhưng đổi lại là các khoản tiền phù hợp. Tất nhiên, họ cũng có những nguyên tắc riêng của mình, bao gồm việc không chấp nhận các thương vụ “đi đêm”.
Trước Graham Potter, Brighton từng cho phép người được xem là “kiến trúc sư trưởng” đứng sau thành công của họ, Dan Ashworth chuyển đến Newcastle. Dan Ashworth được nghỉ phép từ tháng 2 khi Newcastle tiếp cận chính thức, và ông chính thức ra đi sau khi 2 CLB đạt thỏa thuận về chi phí bồi thường vào tháng 5.
Brighton tin rằng bóng đá không nên khác biệt với bất kỳ nghành kinh doanh nào khác. Tại sao các cầu thủ và nhân viên bóng đá phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn công việc bình thường? Tại sao họ phải gắn bó mãi với một CLB và bị chỉ trích là không trung thành khi gật đầu với một cơ hội tốt hơn trong cuộc sống? Tại sao các CLB có quyền lựa chọn những gì tốt nhất cho họ, còn các nhân viên, cầu thủ và HLV thì không?
Từ lâu, bóng đá vốn đã tồn tại nghịch lý như vậy. Giống như việc Kylian Mbappe bị chỉ trích ngày này qua tháng khá vì đồng ý với đề nghị béo bở của PSG – một việc vốn dĩ rất bình thường và hợp logic, hay Robert Lewandowski bị chế giễu vì giảm bỏ một nửa tiền lương để từ bỏ Bayern Munich đến Barca. Ngay cả Lionel Messi cũng từng phải nhận câu hỏi tại sao anh không đá miễn phí cho Barca nếu yêu CLB này như những gì anh nói. Hoặc gần đây, Ronaldo bị cả cộng đồng hâm mộ bóng đá cười nhạo chỉ vì anh muốn có một CLB tốt hơn M.U.
Những lời đàm tiếu này lẽ ra không bao giờ tồn tại nếu tất cả nhìn bóng đá một cách sòng phẳng như Brighton. Sau cùng, tình yêu hay lòng trung thành chỉ là gia vị của bóng đá, không phải tiêu chí để đánh giá bất kỳ ai.