Thông tin này được đưa lên bàn cân thực ra cũng chỉ là phỏng đoán và có tính chất bắc cầu. Cụ thể là vì người ta phát hiện ra cuộc gặp của Sheikh Mansour với ông Bashar Al Assad, Tổng thống Syria, mà Syria là một đồng minh thân cận của Nga. Người Anh cứ thế mà “gom” hết tội lỗi về một mối.
Về lý mà nói chuyện này thật là vô lý, nhưng giả sử như điều này là sự thật thì con tàu Man City sẽ đi đến đâu? Đấy là điều chúng ta trả lời cho bài viết hôm nay.
Vào năm 2007, trước khi Manchester City bước vào ngôi nhà danh gia vọng tộc của UAE, họ là một đội bóng tầm trung ở Ngoại hạng Anh, có nhiều mùa còn đối diện nguy cơ rớt hạng. Ngân sách của CLB cũng hạn chế, thậm chí họ chỉ có một nhà vệ sinh và phòng thay đồ không có cửa, một sân vận động không đủ sơn trắng để kẻ vạch sân. Họ trải qua 5 lần xuống hạng, 5 lần lên hạng, cùng chỉ một danh hiệu duy nhất. Rồi người ta cũng kể về việc nhân viên cắt cỏ còn không đủ tiền để vận hành mặt sân cho Man City.
Nhưng mọi thứ thay đổi đến chóng mặt kể từ đó. Sau năm 2008, Manchester City giàu có đến nỗi chỉ vì nghe nhầm câu “Một đống lộn xộn” (It’s getting messy) thành “phải có được Messi” (let’s get Messi), mà cũng ngoan ngoãn ôm 30 triệu bảng qua Barcelona hỏi mua huyền thoại này khi còn là “sao mai”.
Còn khi Pep Guardiola tới, thì họ còn sở hữu hàng phòng ngự có tổng số tiền cao hơn ngân sách quốc phòng của 41 nước trên thế giới. Nghe như chuyện cười của một công ty không có gì ngoài tiền. Và khi không có tiền, đương nhiên nói theo ngôn ngữ bình dân là “quay về máng lợn cũ”.
Hoàn toàn sai! Cũng như Chelsea, thứ mà Manchester City định danh được mình đã là một khái niệm lớn có tên là “trí tưởng tượng” được nói đến trong cuốn sách Sapiens-Lược sử loài người của học giả Yuval Noah Harari. Trí tưởng tượng bên cạnh tổ chức cộng đồng là sợi dây tiến hóa của giống người tinh khôn Homo Sapiens.
Ví dụ: khi nói đến công ty trách nhiệm hữu hạn, dân tộc hay cộng đồng, các thương hiệu như Toyota, Real Madrid, Nike… bạn có sờ được, nắm được hay không? Không hề, chúng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng tập thể của chúng ta, nhưng sức mạnh của chúng lại rất lớn, vì đó là sức mạnh chung của cả xã hội cùng tin, và cùng tưởng tượng.
Ở đây, 14 năm xây dựng đã đưa khái niệm Manchester City thành một giá trị của sự thịnh vượng. Nếu tiền mất đi, sẽ có tỷ phú khác đến với trí tưởng tượng về vinh quang, lợi nhuận. Cứ nhìn Chelsea và thấy được sự thèm khát của các ông chủ mới. Đấy là một giá trị có tính lịch sử, di sản mà tiền đã mua được ở bóng đá.