Trong khi Pep Guardiola lo lắng điều chỉnh từng li từng tí chế độ dinh dưỡng của Haaland thì Vardy tu hết một lon Red Bull trước khi vào thay người ở trận Wolves – Leicester hôm 23/10. Và không biết có phải nhờ thứ đồ uống kích thích đó không, tiền đạo 35 tuổi tỏa sáng rực rỡ với 1 bàn, 1 kiến tạo trong 29 phút trên sân.
Đáng nói hơn, Vardy đã thiết lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Premier League. Chân sút người Anh trở thành cầu thủ đầu tiên sở hữu 100 bàn thắng tại Premier League tính từ sau tuổi 30. Alan Shearer, Wayne Rooney, Thierry Henry đều không làm được điều đó. Và Haaland 10 năm nữa liệu còn đủ sức ghi thêm cả trăm bàn?
Kỷ lục của Vardy thật ngược đời. Nó khác hoàn toàn với những kỷ lục ghi bàn mà Haaland đã và đang đánh chiếm ở giai đoạn sung mãn của tuổi trẻ. Kỷ lục của Haaland buộc người ta trầm trồ. Còn kỷ lục của Vardy buộc người ta đặt dấu hỏi. Bí quyết nào để tiền đạo sinh năm 1987 duy trì phong độ đỉnh cao ở tuổi lão tướng?
Bí quyết của Vardy là đây: không tập gym, nghiện uống nước tăng lực và nhai kẹo nicotine. Trước mỗi trận đấu, trong khi các cầu thủ thường dùng thực phẩm từ gà và gạo để tăng cường thể lực thì Vardy ăn pizza, hứng lên thì thêm cả bia rượu. Đó không phải là thói quen ăn uống của một cầu thủ chuyên nghiệp, đặc biệt là của một cầu thủ hàng đầu tại Premier League.
Các tờ báo Anh từng kỳ công phân tích chế độ dinh dưỡng “đặc biệt” của Vardy để khẳng định luận điểm rằng, tiền đạo người Anh không hề ăn uống vô tội vạ mà là có chủ đích rõ ràng, rằng nước tăng lực hay bia rượu nếu dùng đúng định mức cũng có lợi cho sức khỏe. Nhưng rồi chính Vardy khẳng định “tôi uống những thứ tôi thích, miễn là trong liều lượng cho phép”.
Đúng là Vardy không sa đà thành một “Paul Gascoigne thứ hai”, nhưng xét về chế độ dinh dưỡng hay chế độ tập luyện thì Vardy còn xa mới đạt đến chuẩn mực của Haaland, mẫu cầu thủ được tối ưu hóa thể chất bằng cả một “công nghệ” hỗ trợ phía sau. Thế nhưng 10 mùa giải gần đây, Vardy luôn nằm trong Top 10 cầu thủ chạy nhanh nhất Premier League.
Tiền đạo người Anh có một thể chất đặc biệt. Nhưng cái đặc biệt hơn nằm trong bộ óc của Vardy, một cầu thủ rất quái và lì lợm. Và trên hết là một thứ nghị lực phi thường đã giúp Vardy từ một công nhân thành một cầu thủ, từ một cái tên vô danh ở giải bán chuyên thành nhà vô địch Premier League. Trong cả thập kỷ phấn đấu bền bỉ đó, Vardy chưa bao giờ đánh mất chất “bán chuyên” của mình trong đời sống cầu thủ. Đấy mới là cái “dị” của Vardy .
Xem Vardy chơi bóng chỉ thấy cầu thủ này chạy và chạy. Tiền đạo Leicester không cần sở hữu kỹ năng xuất chúng để sở hữu kỷ lục ghi bàn 11 trận liên tiếp tại Premier League (mùa 2014/15), để trở thành một trong ba cầu thủ hiếm hoi lập hat-trick vào lưới các đội bóng của Guardiola bên cạnh Messi và Nkunku (Vardy thậm chí lập 2 hat-trick, điều mà Messi và Nkunku không làm được).
Sẽ chẳng có một Vardy thứ hai tại Premier League, mẫu cầu thủ “quái kiệt” mà những cầu thủ “chính chuyên” như Haaland, De Bruyne có khi còn phải học hỏi.