Oman đá phạt góc đáng sợ thế nào?
Nửa năm sau màn đối đầu ở Tây Á, Việt Nam gặp lại Oman ở lượt áp chót vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Thời gian ấy đủ khiến nhiều người quên mất một nỗi ám ảnh mà thầy trò Park Hang Seo phải trải qua khi đó. Đấy là sự bất lực đến cùng cực với màn đá phạt góc siêu dị của Oman, trong thất bại 1-3 chung cuộc khi đó.
Khi ấy, đội bóng Tây Á đã bố trí 5 cầu thủ cao to tiến thẳng vào sát cầu môn của đội tuyển Việt Nam. Phạm vi hoạt động của họ khoanh vùng chặt trong vòng 5m50 của đội nhà. Trong những lần như vậy, hàng thủ của Việt Nam khá lúng túng. Để rồi ở đầu hiệp 2, chúng ta phải nhận bàn thua từ kịch bản kể trên, với pha đánh đầu ngay sát vạch vôi của trung vệ Al Khamdi. Trước đó, Oman cũng gỡ hoà theo một kiểu sắp xếp đá bóng chết tương tự. Hàng thủ Việt Nam quả thực đã không tim được một sách lược nào để đối phó với cách chơi khó chịu từ đối phương.
Sau trận đấu, hậu vệ Hồ Tấn Tài đã viết trên story của mình về cách đá phạt góc của Oman: “Thật khó hiểu? Đẩy cả thủ môn vào trong vạch vôi thì chịu rồi. Thủ môn chắc 2 tay nối lại mới với tới bóng được”. Thực tế các cầu thủ Việt Nam đã có khiếu nại với trọng tài về cách tổ chức đá phạt góc của Oman. Tuy nhiên, trọng tài chính sau khi tham khảo VAR vẫn công nhận bàn thắng hợp lệ cho Oman.
Cần nói thêm, không chỉ với Việt Nam mà ở trận hoà 1-1 trước Trung Quốc sau đó, Oman cũng ghi bàn từ một quả đá phạt góc với tình huống tương tự. Oman có thể không tạo ra được lợi thế về bóng chết trước những đối thủ to cao như Australia hay Saudi Arabia. Nhưng với Trung Quốc và Việt Nam, màn dàn xếp này trở nên vô cùng hữu dụng.
Giải pháp lý thuyết cho Việt Nam
Ở một góc độ khác được chỉ ra khi đó, sự lúng túng của Việt Nam trong những quả đá phạt góc khù khoằm của Oman cũng chỉ ra một vấn đề, đó là sự chuẩn bị chưa thấu đáo của Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam. HLV Branko Ivankovic không phải chờ tới trận đấu với Việt Nam để đưa ra bài đá phạt góc khù khoằm, với số đông cầu thủ Oman có mặt trong vòng 5m50 để cản trở thủ môn Văn Toản. Nhưng đội tuyển Việt Nam cho thấy mình chưa chuẩn bị kỹ càng để đối phó. Dù Oman đã thực hiện rất nhiều những pha phối hợp đá phạt góc như thế ở trận gặp Nhật Bản, Saudi Arabia hay Oman nhưng ĐT Việt Nam vẫn lúng túng và bị thủng lưới.
Sau trận đấu này, các chuyên gia bắt đầu mổ xẻ, phân tích về kế hoạch hoá giải cách đá phạt góc khù khoằm của đội tuyển Oman. Một chuyên gia bóng đá nhiều năm dẫn dắt các đội trẻ của Việt Nam và là hậu vệ có kinh nghiệm trong quá khứ chia sẻ thế này: “Chiến thuật của Oman sẽ có giá trị khi đội Oman có chiều cao tốt hơn so với đối thủ và đương nhiên là không thành công nếu cầu thủ đội bạn cao hơn Oman. Những cầu thủ Việt Nam hôm qua khi gặp Oman bất lợi từ việc bố trí các cầu thủ có chiều cao trên 1m80 đứng sai vị trí và để đối phương đè trước mặt chúng ta. Điều đó dẫn đến hệ quả là thủ môn không đứng được ở một vị trí thuận lợi để tranh bóng.
Đáng ra, chúng ta phải bố trí 5 cầu thủ cao lớn, có chiều cao trên 1m80 vào trong vòng 5m50 cùng với Oman như Ngọc Hải, Tấn Tài, Tiến Linh, Hoàng Đức, Duy Mạnh. Trong đó, một huậ vệ cao lớn phải đứng chắn trước ở cột 1 (cột gần vị trí phạt góc). Ngoài ra, khi thấy thủ môn bị đối phương đè mặt như vậy, một hoặc hai hậu vệ Việt Nam phải liên tục đẩy, thúc người cầu thủ Oman. Đối phương đã có chiến thuật khôn ngoan như vậy thì mình phải sử dụng tiểu xảo liên tục.
Bởi chúng ta thấy ở bàn thua từ phạt góc, trọng tài không hề nhắc nhở gì cầu thủ Oman trong cầu môn. Khi đó, cầu thủ Việt Nam càng phải gây sức ép liên tục, đẩy, dồn cầu thủ Oman, không cho họ có thể đứng sát khung thành. Một mặt, điều đó giúp thủ môn Văn Toản có thêm khoảng trống để với tay. Mặt khác, hậu vệ Việt Nam làm như vậy sẽ dẫn đến ức chế cho đối thủ cộng thêm trọng tài phải ra mặt để dàn xếp lại. Tóm lại, giải pháp cho màn đá phạt góc này là cần bố trí các cầu thủ cao lớn đứng cùng với Oman. Thứ hai, cần bố trí một hậu vệ đứng chắn trước cột 1 và thứ ba cần tạo điều kiện để thủ môn rảnh tay hơn cứu thua”.
Cũng liên quan đến phương án chống quả đá phạt góc khù khoằm của Oman, cựu danh thủ Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ rằng: “Oman có cách dàn xếp đá phạt góc rất khó chịu. Thậm chí ngay cả khi pha đá phạt góc không thành công thì rất có thể chúng ta cũng chịu phạt đền khi hậu vệ Việt Nam luôn phải áp sát và ôm lấy hậu vệ Oman trong tình thế rất đông người đứng trong khu vực 5m50.
Nhưng tôi muốn nói thêm ở câu chuyện tổ chức chống phạt góc, tôi cho rằng Việt Nam đã đọc tình huống không nhanh nhạy. Bởi bàn thắng từ quả đá phạt góc của Oman không phải là lần đầu tiên họ thực hiện khó chịu duy chỉ trong trận đấu với Việt Nam. Đáng ra chúng ta sau khi thấy tình huống đầu tiên, thứ hai rồi thì cần phải có sự thay đổi và đưa ra phương án kịp thời. Nếu như muốn hạn chế tình huống đó bớt nguy hiểm đi thì Ban huấn luyện phải chỉ đạo cầu thủ ra khu vực mà cầu thủ Oman đá phạt góc và gây sức ép.
Mục đích là để cầu thủ Oman mất tập trung và đá kém chính xác đi. Khi đối phương đứng trong vòng 5m50 nhiều như thế thì yêu cầu từ người đá phạt góc phải thực sự chính xác và phải đưa bóng cuộn vào trong cầu môn. Vì thế, chúng ta cần cắt cử một cầu thủ chạy ra góc để thu hẹp góc sút và gây sức chế cho họ”.
Hàng thủ to cao của Việt Nam có thắng được phạt góc từ Oman?
Tất nhiên, những phân tích kể trên chỉ diễn ra sau khi chuyện đã rồi. Và bản thân những phương án mà các chuyên gia đóng góp cũng mới chỉ hiện diện ở góc độ lý thuyết. Vấn đề là khi tái ngộ Oman, đội tuyển Việt Nam liệu có đi vào vết xe đổ như ở trận lượt đi. Lúc này, trong đội hình của Việt Nam, HLV Park Hang Seo hoàn toàn có thể bố trí một hàng thủ cao to đối đầu với Oman. Đấy là thủ môn Bùi Tấn Trường, các trung vệ Quế Ngọc Hải, Nguyễn Thành Chung, Adriano Schmidt, Bùi Hoàng Việt Anh hay Nguyễn Thanh Bình. Tuy nhiên, vấn đề thực tế chỉ ra rằng họ rất ít dịp được kết nối với với. Và sự không ăn khớp trên sân hoàn toàn có thể khiến Việt Nam thêm một lần nữa phải trả giá trước đòn đá phạt góc thô thiển, tiểu xảo nhưng đầy khó chịu của đối thủ.
Dẫu sao, đội tuyển Việt Nam cũng chẳng thể tránh khỏi những thử thách ấy có thể lặp lại một lần nữa đến từ Oman. Và ở chiều ngược lại, đây cũng là dịp để chúng ta có thể thanh toán sòng phẳng món nợ ấy trước đối thủ Tây Á