Nếu không có gì thay đổi, đây sẽ là lực lượng vô địch trong “phần còn lại của Premier League, trừ 3 đội siêu mạnh Chelsea, Liverpool, Man City”. Có nghĩa, Arsenal hiện đã qua mặt các “đại gia” Man United, Tottenham và các “đội mạnh nhất thời” Leicester, Wolverhampton, West Ham…
Những gì vừa nêu có thể là quan trọng hơn chính sự thể hiện của chúng. Câu chuyện có vẻ phức tạp, nhưng rất đáng để phân tích, xem vì sao lại như vậy.
Liệt kê những Aaron Ramsdale, Kieran Tierney, Gabriel Magalhaes, Ben White, Takehiro Tomiyasu, Nuno Tavares, Albert Lokonga, Martin Odegaard, Emile Smith Rowe, Bukayo Saka, Gabriel Martinelli… thì quá đơn giản. Nhưng, có hai câu hỏi rất cần trả lời. Một là vì sao Arsenal chuyển nhượng quá thành công trong mùa Hè vừa qua? Ben White và Ramsdale lúc đầu là đề tài để thiên hạ chế giễu Arsenal, rút cuộc cũng vẫn thành công. Odegaard, Tomiyasu, Tavares, Lokonga cũng đều phát huy tác dụng. Hóa ra, người ta nên chế giễu Romelu Lukaku (Chelsea), Jack Grealish (Man City), hoặc Jadon Sancho (MU) thì hơn.
Câu hỏi thứ hai, cũng hơi liên quan. Đó là việc phát triển các tài năng trẻ sẵn có, hoặc vừa mua cách đây không lâu, như Saka, Smith Rowe, Gabriel Magalhaes, Gabriel Martinelli. Thành công khi mua Ramsdale hoặc Odegaard và thành công khi dùng (chứ không bán hoặc cho mượn) Saka, Smith Rowe, là như nhau.
Đấy là thành công của Mikel Arteta. Nhưng, Arteta… là ai?
Giữa mùa bóng 2019/20, Arteta được tuyển mộ làm HLV trưởng Arsenal, chức danh cụ thể là “head coach”. Ai tuyển, thì Arteta từng thú thật rằng ông… không biết. Đại khái, Arteta trải qua 4 cuộc phỏng vấn, bởi 4 quan chức khác nhau, mà chính ông không nhớ vị nào giữ vai trò gì, có quyền hạn thế nào. Đến đầu mùa bóng 2020/21 thì HLV trưởng Arteta được nâng cấp với chức danh cụ thể “manager”. Khi ấy, người giới thiệu chức danh mới cho Arteta là Vinai Venkatesham cũng vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành. Đấy cũng là lúc Arteta hiểu rõ cương vị của “sếp” này, cùng Giám đốc kỹ thuật Edu. Khi ấy, ít nhất có một Giám đốc quản lý mà Arteta “không nhớ tên” (hoặc ông cố tình nói vậy), hoặc một “sếp” mang tên Raul Sanllehi mà Arteta không biết ông ta có quyền hạn gì, đã chia tay CLB.
Vâng, bây giờ thì Arteta là “manager”. Ông biết mình phải làm gì, làm việc với ai. Không như lúc Arteta “bị” 4 quan chức phỏng vấn mà chẳng biết rõ ai trong số họ. Cũng không như lúc Arsene Wenger hỏi ngược trong mùa cuối cùng dẫn dắt Arsenal: “Giám đốc kỹ thuật là gì, tôi không hiểu?”.
Đấy mới là nguyên nhân thành công. Còn lực lượng trẻ, lối chơi mới mẻ, hoặc khả năng trở lại Champions League lần đầu tiên sau 5 năm chờ đợi, lại là hệ quả. Kể cả tương lai đầy triển vọng, hứa hẹn cả một kỷ nguyên mới, cũng là hệ quả. Khi giới thiệu chức danh mới cho HLV trưởng Arteta, nhà điều hành Venkatesham cho biết: “Arsenal vừa trải qua 9 tháng cải tổ mang tính lịch sử. Mà lịch sử Arsenal thì đã kéo dài 134 năm”!