CÚ ĐÚP TRONG LẦN ĐẦU CHÀO SÂN
Sau VCK U16 Đông Nam Á 2022 tại Indonesia, HLV Nguyễn Quốc Tuấn đã có sự điều chỉnh lớn về lực lượng U17 Việt Nam, trước khi vòng loại giải U17 châu Á 2023 diễn ra trên sân nhà Phú Thọ. Một trong những bổ sung cho đội tuyển trẻ quốc gia chính là Nguyễn Lê Phát, cầu thủ mới 15 tuổi từ Trung tâm PVF.
Ngay trong trận mở màn vòng loại giải U17 châu Á 2023 gặp U17 Đài Bắc Trung Hoa, Lê Phát đã đá chính trong đội hình U17 Việt Nam. Anh khiến người hâm mộ và giới chuyên môn để ý tới mình, thông qua cú đúp bàn thắng quan trọng cho U17 Việt Nam. Phút 73, Lê Phát thể hiện khả năng chọn chỗ hợp lý và đánh đầu dũng mãnh ghi bàn. Phút 82, anh xâm nhập vòng cấm và dứt điểm quyết đoán tung lưới đối thủ.
Tại trận đấu cuối cùng tranh ngôi nhất bảng gặp U17 Thái Lan, Lê Phát cũng được đá chính. Dù không có pha lập công nào trong 3 bàn thắng chóng vánh của U17 Việt Nam trước đối thủ nhưng sự năng nổ, nhiệt tình của cầu thủ mang áo số 9 này vẫn được ghi nhận và đánh giá cao.
CẦU THỦ MỘC MẠC, CHỊU KHÓ
Quay trở lại khởi điểm đầu tiên đến với bóng đá của Lê Phát, anh thuộc nhóm 6 cầu thủ sinh năm 2007 được tuyển chọn vào PVF ngay từ năm 2017, ăn tập cùng lứa cầu thủ 2006, vốn là nhóm tuổi tuyển chọn chính của năm ấy. Thời điểm đó, Phát mới 11 tuổi. “PVF thường có thói quen tuyển chọn theo kiểu nhóm gối đầu như vậy”, ông Lê Minh Dũng – nguyên giám đốc điều hành CLB Phố Hiến, CLB Cần Thơ và từng có thời gian làm việc tại Trung tâm PVF chia sẻ.
“Có 2 lý do để PVF tuyển chọn như vậy. Thứ nhất, họ đang trong quá trình tuyển lứa cầu thủ 2006 nhưng thấy có một số nhân tố 2007 hay nên muốn chọn luôn thay vì để lỡ mất tài năng vào tay lò đào tạo khác. Ngoài ra, họ cũng muốn sau đó khi tuyển lứa 2007 thì cũng đã có một số bạn sinh cùng năm được đào tạo trước đấy làm mẫu. Lê Phát là một trường hợp thuộc diện như vậy. Ở khởi điểm ban đầu, Phát không phải cầu thủ được đánh giá xuất sắc nhất trong lứa”.
Ông Lê Minh Dũng kể tiếp: “Đến khi Lê Phát 13-14 tuổi thì cậu ấy được tập luyện một vài năm với đội ngũ huấn luyện người Pháp. Trong đó có ông Olivier Rousset, người từng làm việc cho JMG của Bỉ và Nigeria. Ông đã đánh giá cao Phát và đầu tư nhiều cho cậu ấy. Cần nói thêm là Lê Phát ban đầu khá nhỏ và gầy. Nhưng khi đến năm 14 tuổi, chiều cao của Phát vọt lên trông thấy. Từ chỗ chỉ cao 1m35, Lê Phát giờ cao hơn 1m70 rồi.
Cũng nhấn mạnh là lứa của Lê Phát là lứa đầu tiên tập luyện hoàn toàn ở phía Bắc, khi Trung tâm PVF di chuyển ra Hưng Yên. Vậy nên, lứa này thuộc diện hưởng đầy đủ thành quả của công tác tập sức mạnh, tập gym một cách bài bản ngay từ bé. Vậy nên, Lê Phát ngoài bước chạy vốn nhanh theo kiểu bẩm sinh thì cũng được rèn thêm sức mạnh, động tác kỹ thuật trong di chuyển từ khá sớm”.
“Khi tôi còn làm ở PVF, tôi nhận ra rằng cầu thủ giỏi nhất khi còn nhỏ chưa chắc đã thành công khi bước sang tuổi 17, 18. Bởi theo thời gian, tâm sinh lý, sự rủi ro về phát triển tính cách có thể diễn ra. Nhưng với Lê Phát, tôi nghĩ cậu ấy có thể lên được cầu thủ chuyên nghiệp. Lê Phát suy nghĩ đơn giản, sống có kỷ luật, đàng hoàng, mộc mạc. Ai dạy điều hay, lẽ phải cũng sẵn sàng tiếp thu. Cậu ấy thuộc diện có thể xuất khẩu trong tương lai gần”, ông Lê Minh Dũng đưa ra quan điểm.
“Ở góc độ chuyên môn, do Ban huấn luyện người Pháp đào tạo lứa của Lê Phát rất ưa chuộng sơ đồ 4-3-3 nên Lê Phát đá tốt trong vai trò tiền vệ con thoi (số 8). Ngoài ra, Phát có thể chơi tiền vệ công hoặc đá cánh. Phát đá bóng theo kiểu mộc mạc, không tô vẽ nhiều. Cậu ấy có tốc độ, kỹ thuật và sức mạnh tốt so với mặt bằng các cầu thủ cùng lứa. Ngoài ra, Phát thuộc diện chơi bóng bền bỉ. Ví dụ như từ phút 75 trở đi, Phát vẫn có thể chơi tốt. Đó cũng có thể là lý do mà Phát ghi 2 bàn thắng cho U17 Việt Nam trước U17 Đài Bắc Trung Hoa, khi trận đấu trôi về 20 phút cuối trận”.
“Chơi bóng giống Gerrard hoặc Lampard”
Ông Lê Minh Dũng ví von: “Lê Phát không phải kiểu thông minh dạng thiên tài vượt trội. Cậu ấy đơn giản là làm mọi thứ cơ bản tốt. Lê Phát quan sát tốt, xử lý tình huống trước người ta khoảng nửa nhịp. Vậy nên Phát hợp đá tiền vệ trung tâm. Ví dụ trong các trận đấu mà đối thủ phòng ngự chặt chẽ, chúng ta cần một cầu thủ có thể lùi xuống nhận bóng, vượt qua 2-3 người để phá hệ thống của đối phương. Phát thuộc diện như vậy. Cậu ấy có khuynh hướng đá tiền vệ như Steven Gerrard hay Frank Lampard”.
Lê Phát thừa hưởng tính cách của mẹ
Mẹ của Lê Phát còn khá trẻ, từ tuổi đời lẫn tính cách. Mẹ của Lê Phát đưa cầu thủ này vào Đăk Nông để kiếm sống. Chị làm thuê ở vườn tiêu, vườn trái cây trước khi tự mình buôn bán nhỏ. Theo lời kể của các thành viên ở PVF, mẹ của Lê Phát xuất hiện ở mọi giải đấu có con trai. Nhưng thay vì thuộc diện “cuồng” con, chị cư xử rất điềm đạm trong các trận đấu mà Lê Phát thi đấu. “Tính cách của mẹ có thể ảnh hưởng đến tính cách của Lê Phát. Cậu ấy hiền lành, mộc mạc, chân chất”, ông Lê Minh Dũng cảm nhận về cầu thủ sinh năm 2007.