Số ít CĐV Juventus trên sân Da Luz được sống lại một chút ký ức tươi đẹp khi đội nhà liên tiếp có 2 bàn gỡ ở thời điểm bị Benfica dẫn trước 1-4. Nhưng có chăng, đó là điều an ủi cuối cùng với họ trước khi đối diện với thực tế tàn khốc. Juve đã bị loại ngay từ vòng bảng Champions League sau trận thua 3-4 trước đại diện Bồ Đào Nha.
Báo chí Italia dùng từ “thảm họa” để mô tả về nỗi đau của Lão bà. Nhưng có lẽ, thảm họa đã xuất hiện từ lâu với họ. Có chăng, thất bại trước Benfica chỉ như giọt nước tràn ly, đẩy bi kịch của Juve lên tới đỉnh điểm.
Thực tế, “gã khổng lồ” thành Turin không còn là chính mình từ cái ngày họ chứng kiến Inter đoạt Scudetto 2020/21, chấm dứt kỷ nguyên 9 năm thống trị ở Serie A. Trong hai mùa giải gần đây, họ chỉ về đích ở vị trí thứ 4.
Đã có lời xì xào cho rằng quyết định bổ nhiệm Andrea Pirlo là sai lầm, mở đầu cho con đường xuống địa ngục của Juve. Hay ở nơi nào đó, không ít người (trong đó có Giorgio Chiellini) đổ lỗi rằng sự xuất hiện của Cristiano Ronaldo khiến cho CLB ngày một tệ hơn vì phá vỡ khối đoàn kết.
Nhưng trong kỷ nguyên thất bại, người ta có thể nghĩ ra hàng trăm lý do tương tự để đổ lỗi. Mùa Hè năm ngoái, Ban lãnh đạo Juve đã quyết định bổ nhiệm Massimiliano Allegri như động thái để níu kéo những điều tốt đẹp trong quá khứ. Dù vậy, tới thời điểm này, Allegri lại là nhân vật bị chỉ trích nhiều nhất ở CLB.
Trong vô vọng, vị HLV sinh năm 1967 từng mắng các học trò (sau trận hòa Sampdoria): “Chúng ta không bao giờ được phép lùi bước”. Cho tới trước trận gặp Benfica, ông vẫn nhấn mạnh: “Juve sẽ không bỏ cuộc”. Dù vậy, Lão bà không thể vực dậy chỉ bằng một vài liệu pháp tinh thần đơn giản như thế.
Sự sụp đổ của Juve không tới từ Allegri, Pirlo, Ronaldo hay bất kỳ cá nhân nào, mà từ thượng tầng. Trong kỷ nguyên trỗi dậy, họ từng được xem là biểu tượng của sự đổi mới ở Serie A khi xây SVĐ Allianz Stadium. Họ trở thành CLB đầu tiên sở hữu SVĐ của riêng mình. Nhưng trong dòng chảy của thời gian, Bianconeri lại đang dần trở nên lạc hậu so với thời cuộc.
Vài năm trở lại đây, Juve đã mất đi hai nhân vật có ý nghĩa then chốt. Người đầu tiên là Giám đốc điều hành Beppe Marotta (ra đi vào năm 2018). Năm ngoái, tới lượt “đệ tử” của ông, Fabio Paratici cũng nói lời tạm biệt với CLB thành Turin.
Marotta là kiến trúc sư tạo nên kỷ nguyên huy hoàng của Lão bà nhưng rút cuộc phải rời CLB trong cuộc cách tân đội bóng của chóp bu. Ngày rời CLB, ông ngậm ngùi: “Đội bóng muốn có sự thay đổi với thế hệ quản lý mới. Với tôi không có ai thắng, ai thua cả. Chỉ là một cánh cửa khép lại và sẽ có một cánh cửa mới mở ra với tôi”.
Không phải không có sự đau xót khi chứng kiến “cuộc cách mạng nửa mùa”. Leonardo Bonucci từng thừa nhận: “Sự ra đi của Marotta đã để lại lỗ hổng quá lớn”. Quả thực, kể từ khi ông ra đi, Juve gần như lạc lối trên thị trường chuyển nhượng.
Không phải CLB không mang về những bản hợp đồng tiềm năng như Manuel Locatelli, Dusan Vlahovic, Weston McKennie, Federico Chiesa. Họ cũng tích cực săn những “món hàng 0 đồng” như Paul Pogba, Di Maria. Thế nhưng, hầu hết trong số này đều thất bại. Nó cho thấy việc “nhìn trúng” cầu thủ không phải là điều đơn giản.
Cho tới thời điểm này, Juve vẫn sống dựa vào những “ông già” như Cuadrado, Bonucci. Nhưng hãy nhìn vào màn trình diễn thảm họa của họ trước Benfica để thấy được tấm gương phản chiếu của CLB lúc này. Thiếu tinh thần chiến đấu, một màu, cũ kỹ và không có lối thoát.
Nhà thơ John Keats từng ví von: “Kẻ bại trận giống như đứa trẻ mồ côi”. Không ai muốn gánh trách nhiệm. Và khi tất cả cùng có tội, có nghĩa rằng tội lỗi không thuộc về riêng ai cả. Juve cứ sụp đổ theo cách như vậy! Chỉ có sự xót xa cho đế chế hùng mạnh đang ngự trị trong lòng người hâm mộ.
Juventus lần đầu bị loại từ vòng bảng sau 9 năm
Lần gần nhất Juventus không vượt qua vòng bảng Champions League là mùa 2013/14. Trong lịch sử, họ cũng trải qua nỗi đau tương tự ở các mùa 2008/09 và 2000/01. Điều này càng “đâm” vào nỗi đau của Juventus trong bối cảnh họ thi đấu tệ tại mặt trận trong nước.