Hôm qua, Sài Gòn FC đã tiễn Phạm Văn Luân và Vũ Hồng Quân lên đường sang Nhật Bản “tầm sư học đạo”. Biết được khả năng của những cầu thủ này nên lãnh đạo đội bóng đã khoác cho họ những chiếc áo vừa phải, đủ có hy vọng để thi đấu khi chọn bến đỗ là những đội bóng ở J.League 2 của Nhật Bản. Đích nhắm của ông chủ Sài Gòn FC cho những “nhân viên’ dưới trướng là học hỏi và nếu được là khẳng định khả năng để có thể trưởng thành hơn và sau này về phục vụ lại CLB nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Chưa biết Văn Luân và Hồng Quân (sắp tới là Ngọc Long và Văn Sơn) có ghi được dấu ấn ở Nhật Bản hay không, nhưng ít ra việc tiếp tục “xuất ngoại” cho thấy, khát khao đưa cầu thủ Việt Nam vượt ra khỏi ranh giới của khu vực vẫn rất lớn.
Cũng với khát khao ấy, một cầu thủ lớn của bóng đá Việt Nam là Quang Hải đang hướng ngoại để hy vọng có thể khẳng định hơn nữa tài năng. Tất nhiên, so về tầm với hai cầu thủ của Sài Gòn FC, Quang Hải ở đẳng cấp khác. Quang Hải xuất ngoại gần như với tâm thế không phải học hỏi hay học tập kinh nghiệm mà là để khẳng định giá trị bản thân rằng anh có đủ năng lực và bản lĩnh để chơi bóng ở nước ngoài. Hẳn nhiên, Quang Hải cũng sẽ phải đến những quốc gia có nền bóng đá phát triển thuộc loại hàng đầu châu Á hoặc trung bình của châu Âu. Đó là khát vọng cần được trân trọng và cổ vũ đối với Quang Hải.
Thực ra trước thông tin Quang Hải quyết định chia tay Hà Nội FC để ra nước ngoài thi đấu (bến đỗ chưa xác định), một bộ phận giới chuyên môn cũng như dư luận cho rằng tiền vệ này sẽ khó thành công. Lý do để đưa ra nhận định ấy không hẳn xuất phát từ năng lực của Quang Hải mà là tấm gương của những Văn Hậu, Xuân Trường, Công Phượng… trước đó. Nhưng đây là so sánh khiên cưỡng. Những cầu thủ này xuất ngoại khi chỉ mới khẳng định được giá trị ở các giải trẻ hoặc cùng lắm ở cấp độ ĐTQG tại đấu trường Đông Nam Á. Như đã biết, bóng đá Đông Nam Á bị đánh giá là “vùng trũng” của thế giới. Còn với Quang Hải, những gì tiền vệ này thể hiện trong màu áo ĐT Việt Nam ở tầm châu Á trong những năm qua, ngay cả trước những đối thủ hàng đầu châu lục như Nhật
Bản, Saudi Arabia, UAE, Australia… là bằng chứng sống động nhất. Có khi cả tập thể đều nhạt nhòa trong những trận đấu trước những đối thủ này, nhưng Quang Hải không “chìm chung”. Ngược lại, anh ghi dấu ấn đậm nét bằng những pha xử lý bóng tinh tế có thể đem đến sự đột biến cao, những bàn thắng đẳng cấp… khiến giới chuyên môn phải trầm trồ khen ngợi.
Hơn nữa, tuổi của Quang Hải thời điểm này đang bắt đầu ở độ chín của sự nghiệp, khác với việc đứng giữa “lằn ranh” của những cầu thủ mới chớm trưởng thành như Văn Hậu, Công Phượng… trước đây. Giới chuyên môn luôn nhận xét, đẳng cấp của Quang Hải đã đạt đến trình độ châu Á. Thế nên, Quang Hải cần lắm một sự thử thách ở môi trường mới, giải đấu có trình độ cao hơn V.League. Tất nhiên, nói như thế không đồng nghĩa Quang Hải có thể chơi bóng ở những giải đấu hàng đầu châu Âu. Thi đấu ở nước ngoài là đáng để cổ vũ, nhưng việc chọn cho Quang Hải một giải đấu vừa tầm để có thể tỏa sáng là yếu tố quan trọng khác trong chuyến xuất ngoại (nếu có) sắp tới của tiền vệ này.