Điều gì đã đẩy Man United, đội bóng được hâm mộ nhất xứ sương mù và vùng Viễn Đông, chịu cảnh này? Quá nhiều lý do được phân tích mổ xẻ, quá nhiều thứ được đưa lên bàn cân, nhưng sau cùng vẫn chỉ là để nói cho nhau nghe chứ kết quả không giải quyết được. Vì một lẽ họ đã đi sai lộ trình, còn đối thủ thì phát triển thêm từng ngày. Man United hóa ra cũng giống Arsenal, đặt quá nhiều trứng vào một cái giỏ. “Cái giỏ” ấy chính là Alex Ferguson và Arsene Wenger.
Nếu Arsenal có 9 năm trắng tay thì M.U đã đi đến năm thứ 5. Arsenal cũng đặt tất cả vào Wenger – một manager quản lý theo kiểu cũ, để rồi chấp nhận bị bỏ lại bởi các đối thủ thức thời hơn, mạnh tiền hơn khi Chelsea, Man City tham gia cuộc đua. Man United thì đặt cả sinh mạng vào Ferguson mà không chịu tìm người kế thừa, cuối cùng khi Sir Alex thất bại trong các kế hoạch lựa chọn người kế vị, cũng là lúc Quỷ đỏ lạc lối, dù cho họ chi tiền bạo hơn Arsenal rất nhiều.
Việc ảo tưởng đến dai dẳng bằng cách đem về những bản hợp đồng tiền tấn, những phần thưởng, lương tuần cao ngất mà không xây dựng một lối chơi cụ thể đã khiến M.U thất trận, các cầu thủ dù đá rất hay ở CLB cũ (Pogba, Fred, Maguire…) nhưng lạc lõng ở M.U. Vì M.U đã sai trong cách xây dựng. Để miêu tả cho dễ hiểu thì lối chơi, chiến thuật từ tuyến trẻ lên đội một chính là cái gốc cây giáng sinh của CLB. Từ cái gốc cây thông ấy, người ta có thể mua thêm những vật dụng trang trí cho phù hợp để cây thông tỏa sáng. M.U lại cứ chặt hết cây thông này đến thử nghiệm cây thông khác. Sau cùng đồ trang trí “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, họ vứt tiền qua cửa sổ, vứt cả thanh xuân cầu thủ và những năm tháng cuối của huyền thoại về trong tối tăm của chính mình.
Alex Ferguson giống như một sự ám ảnh ở Old Trafford, vì sự thành công quá lớn cũng như vì cái hậu quả ông để lại sau sự ra đi cũng quá cao. Chúng ta không dám nói đến di sản vĩ đại của Ferguson, nhưng cũng phải nói rằng cách ra đi có phần nào đó quá đỗi thiếu sự chuẩn bị của ông đã đẩy Man United đến thảm cảnh hôm nay. M.U muốn thay đổi nhưng lại không chịu rũ bỏ quá khứ. “Cách mạng”, đó sẽ là điều tiên quyết phải nói ngay từ bây giờ. Muốn thay đổi, thì đừng đếm những gì đã mất, hãy quý trọng những gì đang có và lên kế hoạch cho những gì sẽ đạt được, bởi quá khứ không bao giờ trở lại, nhưng tương lai có thể bù đắp cho mất mát.