Mới đây, MU thắng Tottenham 3-2 trong một trận đấu mà trên nguyên tắc phải gọi là “thượng đỉnh” ở Premier League. Trận ấy, MU dùng cặp Fred –Matic, trong sơ đồ 4-2-3-1. Tùy quan điểm, nhiều người cho rằng một mình Cristiano Ronaldo tỏa sáng với cú hat-trick đem lại thành công theo hơi hướng cá nhân. Dù sao đi nữa, không thể phủ nhận đường chuyền điệu nghệ của Fred đã kiến tạo bàn đầu tiên cho Ronaldo.
Ngay trước đó là trận derby Manchester, và đấy là trận đấu mà cách xếp tiền vệ của HLV Rangnick làm kinh ngạc tất cả những ai quan tâm. Man City không thể ngờ rằng đối phương lại xếp tiền vệ… ngớ ngẩn như vậy. Toàn bộ khu giữa sân mở toang như để mời mọc đội bóng khét tiếng nhất thế giới về khả năng chuyền bóng thi thố tài nghệ. Pep Guardiola nói đội của ông phải “quá bất ngờ và phải điều chỉnh cách chơi”. Và họ ghi bàn ngay phút thứ 5, trước cái sơ đồ chiến 4-2-4 “của thập niên 1950” mà Rangnick sử dụng. Fred và Scott McTominay đá cặp tiền vệ trong sơ đồ ấy.
Từ trận lượt đi gặp Atletico Madrid đến trận derby Manchester và trận gặp Tottenham, M.U luôn dùng một cặp tiền vệ trung tâm. Kết quả thì rất khác nhau: hòa trên sân Madrid, thua nhục nhã ở trận derby và thắng Tottenham. Vậy, nên hiểu rằng vấn đề nằm ở chỗ khác, chứ vấn đề không phải là tiền vệ. Chẳng hạn M.U thắng Tottenham nhờ cá nhân Ronaldo quá xuất sắc. Hoặc thua Man City vì không ai có thể chơi bóng chỉ bằng 2 cầu thủ ở khu giữa sân mà không có mối liên kết với 4 tiền đạo.
Cũng có ý kiến bàn về một bộ ba tiền vệ chơi ở giữa sân (thay vì một cặp). Ở khía cạnh khác, so sánh đặc điểm các tiền vệ M.U thì rất dễ thấy: họ quá khác nhau, ai cũng có sở trường hoặc sở đoản riêng. Đấy là chưa kể, Pogba thuộc mẫu cầu thủ thất thường, đến mức… quái đản, nên thậm chí các đặc điểm rõ ràng nhất của cầu thủ này, rút cuộc cũng không ai biết là sẽ được thể hiện theo kiểu gì. Giới hâm mộ luôn hồi hộp chờ xem công thức tiền vệ của M.U trong từng trận cụ thể là vì vậy. Vì chẳng bao giờ khu vực tối quan trọng giữa đội hình M.U có được một sự ổn định, rõ ràng.
Phải bàn về tiền vệ M.U tất nhiên cũng còn vì lý lẽ chung của bóng đá hiện đại: mọi nhận định cứ phải xuất phát từ khu vực này. Chỉ có điều: cố bàn về công thức tiền vệ M.U là việc thừa thãi, thậm chí vô nghĩa, nếu Rangnick… chẳng biết gì về tiền vệ, cũng như về chiến thuật bóng đá nói chung. Vâng, rất nghiêm tức, xin hỏi ngược các nhà báo luôn tâng bốc nhân vật Rangnick kia: bằng chứng cho thấy ông này hiểu về chiến thuật bóng đá?
Gegenpressing là bằng chứng ngược lại, cho thấy Rangnick… mù tịt về bóng đá. Khái niệm này quá cổ lỗ sĩ, chưa kể bóng đá có nhiều cách chơi khác nhau, không hề “buộc phải Gegenpressing”, như Rangnick luôn nhấn mạnh. Chơi 4-2-4 trước Man City là ví dụ khác. Khi cấm cầu thủ M.U đi chữa chấn thương ở bất cứ nơi nào khác, ngoài trung tâm Carrington, Rangnick nói rõ: “Theo hiểu biết của tôi trong suốt bao năm hành nghề ở Đức, không ai làm như vậy”. Cái “hiểu biết” ấy vừa bị Ronaldo lật mặt!
Simeone nói thật hay “đểu”?
Trong cuộc họp báo trước trận lượt đi, HLV Diego Simeone của Atletico Madrid hết lời khen ngợi tiền vệ trung tâm của M.U. Simeone khẳng định “M.U có những tiền vệ trung tâm vĩ đại nhất thế giới và họ chơi rất chặt chẽ”. Sau trận, không ít người kết luận: cặp tiền vệ trung tâm Paul Pogba – Fred của M.U là hai cầu thủ… dở nhất trên sân! Simeone cẩn thận xử lý cặp tiền vệ “vĩ đại” của M.U và thành công, hay ông… khen đểu?