Đối với Vương quốc Anh, với Ngoại hạng Anh, với các fan bóng đá xứ sở sương mù, đây có vẻ là một cú sốc khủng khiếp, khi sau 19 năm dường như họ mới lần đầu khám phá ra con người thật của Abramovich. Nhưng không, thực tế là ai cũng hiểu Roman đến từ đâu, họ chỉ đơn giản là tặc lưỡi cho qua bản lý lịch cũng như khối tài sản mập mờ của nhà tài phiệt này mà thôi.
Người ta chẳng mấy khi đào sâu tìm hiểu xuất xứ những đồng rúp chảy vào ngân sách của Chelsea kể từ năm 2003, hoặc nếu có thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ chỉ trích. Thời gian qua đi, những chỉ trích ấy dần mai một, thậm chí chuyển thành… lòng biết ơn bởi những đóng góp của Abramovich cho sức hút của giải Ngoại hạng Anh, cho thành công của CLB, thông qua những bản hợp đồng bom tấn, những khoản tiền lương kếch sù. Người London tôn sùng Abramovich, sau khi ông giúp lột xác CLB, dùng tiền túi đem về về Premier League, Champions League và mới đây, chỉ vài ngày trước cuộc chiến Nga – Ukraine, là danh hiệu FIFA Club World Cup.
Không nói quá khi khẳng định hình ảnh của Chelsea đã gắn liền với Abramovich. Ông thường xuyên xuất hiện ở khán đài xem đội bóng thi đấu, và thậm chí đôi lúc còn cao hứng xuống sân để ăn mừng danh hiệu. Ngay cả Cesar Azpilicueta, một cầu thủ biểu tượng cho đạo đức và sự chuyên nghiệp, cũng bày tỏ sự tôn kính với Abramovich khi mời ông lên đứng vị trí trung tâm sân khấu trong buổi lễ nhận giải Champions League hè năm ngoái. Hình ảnh Abramovich tươi cười ăn mừng chiến thắng, trên tay là chiếc cúp danh giá nhất cấp độ CLB đã được phát sóng trên toàn cầu.
Chẳng có cú sốc nào về thân thế của Abramovich cả. Điều đáng ngạc nhiên duy nhất là chính phủ Anh đã thực sự đủ quyết liệt để đóng băng tài sản, đá văng ông ta khỏi điện thờ của mình bằng một đoạn văn bản khẳng định mối liên hệ giữa ông với Vladimir Putin, sau một thời gian quá dài hưởng lợi từ những đồng tiền của vị tài phiệt người Nga.
Lệnh trừng phạt được đưa ra lấy lý do Abramovich là một “nhà tài phiệt thân Kremlin”, người đã có “mối quan hệ thân thiết trong nhiều thập kỷ” với Putin, và được “đối xử ưu đãi và nhượng bộ từ Putin cũng như chính phủ Nga”. Công ty của Abramovich thậm chí có trách nhiệm cung cấp thép, tiền của, hàng hoá hoặc công nghệ cho quân đội Nga để “góp phần gây bất ổn cho Ukraine”.
Đúng thế, chính số tiền đã đưa Chelsea lên đỉnh cao của bóng đá thế giới có cùng một xuất xứ với số tiền người Nga sử dụng cho cuộc chiến tại Ukraine. Chúng ta đã thấy hình ảnh những người đàn ông Ukraine phải từ giã vợ con khi họ mắc kẹt bên kia biên giới, những người dân áo vải phải học cách bắn súng trường bán tự động với hy vọng nhỏ nhoi đẩy lui một cỗ xe tăng, những người thanh niên phải đào xác bạn khỏi đống đổ nát, hay chôn cất người thân của mình.
So với tấn bi kịch ấy, việc người hâm mộ Chelsea không thể mua áo đấu của Kai Havertz ở gian hàng CLB chắc chắn không phải vấn đề. Cũng không phải là sự nuối tiếc những danh hiệu, những khoảng thời gian tuyệt vời, những nụ cười của một ông chủ người Nga dễ mến trên khán đài Stamford Bridge gợi nhớ về một triều đại đã mất. Những thứ ấy không liên quan mật thiết đến tính mạng con người.
Trường hợp xấu nhất, Chelsea cũng chỉ phải chơi đồng hạng với… Queens Park Rangers trong một vài năm. Nhưng thực tế là điều đó cũng vô cùng khó xảy ra. Hãy thôi huyễn hoặc việc Chelsea chỉ thật sự hoá rồng khi Abramovich đặt chân đến. Đội bóng này chưa bao giờ là một CLB nhỏ. Họ đã từng vô địch cúp châu Âu và Siêu cúp UEFA năm 1998. Lịch sử của họ cũng đã có những thời điểm vô cùng bi đát, khi giai đoạn 1975-1989 trải qua 3 lần xuống hạng và 3 lần lên hạng. So với khó khăn khi ấy thì những hoang mang hiện tại chỉ là một cơn gió nhẹ thoảng qua.
Sẽ không có chuyện Chelsea gục ngã. Chính phủ Anh đã bày tỏ thiện chí đàm phán để mở đường cho CLB tiếp tục hoạt động bình thường. Vẫn có rất nhiều vị đại gia bày tỏ sự quan tâm nghiêm túc đến họ. Sau cùng thì cái tên Chelsea vẫn là một biểu tượng văn hoá không chỉ của thủ đô London mà còn của cả nước Anh. Người Anh sẽ không tuyệt đường với báu vật của mình.
Câu chuyện của Abramovich đặt ra một dấu hỏi to tướng về các tiêu chuẩn giám sát của ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh, bởi có vẻ như nó chưa tương xứng với tầm vóc là giải đấu được quan tâm số một thế giới. Ngay cả đến thời điểm này, tỷ phú người Nga vẫn hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra dành cho một ông chủ đội bóng ở Premier League.
Các quy tắc được ban tổ chức lập ra từ buổi ban sơ vốn chỉ để ngăn chặn những kẻ trục lợi nhỏ chiếm đoạt các đội bóng nhỏ, vấn đề đã trở nên quá lỗi thời sau chu kỳ phát triển của giải đấu. Chỉ những kẻ có tiền án hoặc bị phá sản mới không đủ tư cách sở hữu đội bóng tại Anh. Abramovich thì đương nhiên không có tiền án và có lẽ sẽ chẳng bao giờ phá sản.