Nếu có miêu tả gì mang tính chân thực và trực quan nhất về phong độ của tuyển thủ người Đức thì người viết xin dùng từ: giật cục. Vâng, nó giống như một người đang nhảy lò cò, giật giật, lúc thì một phát đi rất nhanh mấy bước, lúc thì đứng im tại chỗ. Ví dụ như mùa giải 2020/21, Kai Havertz ghi được chưa đến 10 bàn sau 45 trận trên tất cả mọi mặt trận (chính xác là 9 bàn). Cùng với Timo Werner, là hai bản hợp đồng bom tấn được đánh giá là thất vọng. Tuy nhiên, Kai Havertz lại là cầu thủ ghi bàn thắng duy nhất trong trận chung kết Champions League năm đó, đem về cho Chelsea danh hiệu Champions League thứ 2 trong lịch sử.
Và để biết nó đặc biệt và nó ứng nghiệm với Kai Havertz thế nào thì bạn cần nhớ đó cũng là bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp của Kai Havertz ghi tại Champions League. Vấn đề là nó lại… trong một trận chung kết. Kai là vậy, cầu thủ của những trận đấu lớn, cầu thủ ghi được bàn thắng khi ai cũng nghĩ rằng chẳng có hy vọng. Một cầu thủ dùng đôi khi như phế, nhưng lại được lựa chọn cho những thời khắc đặc biệt.
Sang đến mùa giải 2021/22, HLV Thomas Tuchel vì quá thất vọng với Lukaku đã chuyển Kai Havertz lên vị trí tiền đạo ảo. Kết quả phong độ cũng giật cục như mùa trước. Được vài trận chơi hay, lại quay sang ca bài mất tích. Được vài trận nhả đạn, lại quay sang tịt ngòi. Con số bàn thắng thể hiện điều này khi Kai ghi 14 bàn sau 47 trận (tức là nhiều hơn mùa trước có 5 bàn dù đóng vai mũi nhọn).
Cũng khó mà trách cựu tiền vệ của Leverkusen đã không hoàn thành nhiệm vụ khi đó không phải là vị trí sở trường của anh. Tuy nhiên, chính cái không hoàn thành nhiệm vụ đó đã tố cáo sự hạn chế của Kai. Hãy nhớ lại, Kevin de Bruyne cũng được giao cho số 9 ảo, Francesco Totti cũng đá số 9 ảo, Cesc Fabregas cũng đá số 9 ảo, đương nhiên ta không nên xếp Lionel Messi vào đây làm gì. Tất cả họ đều thành công. Nhưng Kai thì không thành công. Vậy thì việc xếp Kai Havetz vào nhóm các tiền vệ hàng đầu thế giới rõ ràng là điều mộng ảo của người Chelsea.
Kai Havertz sinh năm 1999, tức là nằm trong nhóm các sao trẻ. Việc định giá của anh thấp theo từng năm đã nói lên sự đi xuống của anh. Và nó có vấn đề về cá tính của chàng trai Đức này. Khi Kai mới xuất hiện, người ta đã dự đoán anh sẽ làm nên những điều đặc biệt. Khi anh trở thành tiền vệ đắt giá nhất lịch sử Chelsea, người ta đã nói về một hạt nhân mới của đội chủ sân Stamford Brigde. Và khi anh ghi bàn thắng ở trận chung kết Champions League, những lời tâng bốc có cánh đã nói về một Quả bóng vàng của tương lai. Thời gian trôi dần, và người ta lại quay đầu tự hỏi: Kai Havertz lại trôi đi đâu rồi?