Khi tin tức ông Boris Johnson có kế hoạch trở lại làm Thủ tướng Anh lan truyền, tờ Der Tagesspiegel của Đức đăng trên trang nhất với dòng tít: “Ernsthaft?”, dịch ra là “Nghiêm túc?”. Đó cũng là câu hỏi dành cho bất kỳ đội bóng lớn nào muốn sở hữu Ronaldo trong thời gian tới. Liệu họ có thực sự nghiêm túc? Những CLB như vậy liệu có đủ can đảm để đưa về một cầu thủ từ chối vào sân khi không được đá chính, một cầu thủ bỏ về sớm ngay cả khi đội nhà thắng trận?
Chelsea được cho là CLB muốn “giải cứu” Ronaldo khỏi Man United vào tháng 1/2023. Hồi hè 2022, ông chủ Todd Boehly đã tìm cách đưa CR7 về Stamford Bridge nhưng bị HLV Thomas Tuchel phản đối kịch liệt. Điều này đã góp phần khiến mối quan hệ giữa ban lãnh đạo Chelsea và Tuchel rạn nứt đến mức không thể cứu vãn, trước khi chiến lược gia người Đức bị sa thải.
Chelsea nói riêng và các CLB lớn khác ở châu Âu nói chung có lẽ thừa hiểu sự chia rẽ mà Ronaldo có thể mang đến ngay cả khi anh không ra sân. Những gì đang diễn ra ở Old Trafford hiện tại là điều có thể xảy ra với bất kỳ đội bóng nào nếu họ có ý định chiêu mộ Ronaldo. Bài toán phần thưởng – rủi ro cần được tính tới, và liệu việc sở hữu chữ ký của CR7 – một cầu thủ đã 37 tuổi – có phải món hời với phần thưởng lớn hơn rủi ro?
Trước Tottenham, Man United đã chơi một trận tuyệt hay, có thể nói là màn trình diễn mãn nhãn nhất của họ dưới thời HLV Ten Hag tính đến thời điểm này. Quỷ đỏ bóp nghẹt Spurs, không cho đội bóng này bất kỳ cơ hội nào để phản kháng. Chứng kiến các đồng đội thi đấu thăng hoa như vậy, Ronaldo đáng lý nên chúc mừng, chia vui với những đàn em. Nhưng không, anh lựa chọn phương án… khó hơn, đó là từ chối vào sân trong ít phút cuối và bỏ về sớm. CR7 cảm thấy bị xúc phạm bởi một cầu thủ vĩ đại như anh phải làm nền và chỉ được vào sân theo kiểu “giải quyết chế độ”. Với lối suy nghĩ và cách hành xử như vậy, rất khó để Ronaldo có thể mơ mộng được gia nhập một CLB hàng đầu châu Âu nếu chia tay Man United thời gian tới.
Hồi tháng 9 vừa qua, có thông tin cho biết Al Hilal – CLB của Saudi Arabia – sẵn sàng trả cho Ronaldo mức lương cao nhất thế giới với thỏa thuận trị giá 210 triệu bảng qua 2 mùa giải. Một con số béo bở nhưng nếu Ronaldo tới Trung Đông chơi bóng, nó chẳng khác nào sự thừa nhận rằng anh đã hết thời. Ngoài ra, Al Hilal chỉ có khoảng 13.000 khán giả theo dõi mỗi tuần, trong con số trung bình ở cả giải VĐQG Saudi Arabia chỉ là 5.000 khán giả hoặc thấp hơn. Ronaldo – với cái tôi cao ngút – chẳng lẽ cam tâm thi đấu ở một “giải làng” như vậy?
Giải Nhà nghề Mỹ (MLS) sẽ phần nào hấp dẫn hơn nhưng cũng có những hạn chế tương tự. Thêm nữa, còn có sự phức tạp nhất định khi tại Mỹ, Ronaldo từng bị cáo buộc hiếp dâm. Dù CR7 đã thắng kiện song điều này có thể khiến tiền đạo 37 trở thành mục tiêu cho các cuộc biểu tình và tranh cãi làm danh tiếng của anh càng trở nên xấu đi.
Nhìn chung, thay vì chờ CLB nào tới giải cứu, Ronaldo hãy tự cứu lấy mình trước. Cách tốt nhất để CR7 cứu mình không gì khác ngoài việc sửa đổi vị thế và thái độ cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Chấp nhận bản thân đã hết thời với một cầu thủ vĩ đại như Ronaldo là điều khó khăn, song đã đến lúc anh phải có cái nhìn đúng đắn. Bằng không, Ronaldo sẽ chẳng còn khả năng gia nhập các CLB ưu tú.